Ở cộng đồng Cham, tôi học bằng đọc và đi. Từ tuổi 15, tôi lang thang qua các palei Cham Pangdurangga, và vùng miền khác, để tìm học.
Học bằng hỏi. Tôi gặp riêng từ cụ Thiên Sanh Cảnh cho chí Châu Văn Mỗ, từ thầy Thành Phú Bá đến thầy Lưu Quang Sang. Sau này khi có gia đình, tôi tổ chức “Hội nghị chiếu xe” gặp chung. Hỏi, để hiểu sâu hơn tâm hồn con người Cham, tinh thần văn hóa Cham.
Về ngôn ngữ và văn học Cham, tôi được cho là chuyên gia hàng đầu. Sau đó tôi học bằng khai phá vùng đất hoang: Hải sử & văn hóa biển, Minh triết Cham, san định Kinh sách Cham, hay đi vào khía cạnh vi tế của văn hóa dân tộc: “Văn hóa Cham nhìn từ Cham”, “Giải huyền thoại” các thứ, vân vân.
Thế giới ngoài Cham, tôi tìm học để hiểu Cham sâu hơn.
Ngôn ngữ, khi hiểu rằng ngôn ngữ quy định tư duy một tộc người nào đó, tôi học tiếng Việt, Anh, Pháp, Sanskrit, tiếng Nam Đảo…
Sau đó là tư tưởng, từ triết học đến tôn giáo. Ấn Độ, Trung quốc, Tây phương, cả cổ điển lẫn hiện đại.
Cuối cùng là văn học, và các nền văn học lớn trên thế giới: Pháp, Nga, Anh Mỹ, Nhật Bản… Bởi văn chương biểu hiện rõ hơn cả tâm hồn và đời sống một dân tộc. Hiểu, để nhiếp dẫn tâm hồn Cham gặp được tâm hồn dân tộc khác, và ngược lại.
Văn học Việt Nam, tôi dấn vào vùng nhạy cảm, hấp dẫn và nhiều thú vị: Văn học ngoại vi Việt Nam. Ở đó riêng về Thơ Việt đương đại, tôi học và “giỏi một cách vô ích” [tên một tút].
Tôi tu thế nào?
Nhân vật “người ấy” của Rilke – bất chợt nhớ, từ từ đứng dậy rời khỏi bữa cơm chiều, và đi – tìm ngôi giáo đường người ấy bỏ quên, biệt tích về miền vô định. Minh Tuệ thấy, xin phép cha mẹ rồi đi, 6 năm không ngưng nghỉ và hứa hẹn còn tiếp tục, cho đến chết.
Đó là tinh tấn mang tính tâm linh.
Tôi cũng hệt, khác điều tôi luôn “hết mình & tới cùng” cái đã dự phóng trước đó, từ tuổi 20. Đoạn thơ viết vào năm 1982:
“Khi tôi chỉ còn bóng tối làm bạn đồng hành
và con đường nằm trong bước chân
con đường bạt núi đồi, thành phố
con đường băng tìm con đường chưa khai mở ở trần gian”
Con đường dù mơ hồ và vô định, tôi vẫn đi, tận… hôm nay. Là tinh tấn thuộc phạm trù Tư tưởng.
20 tuổi, lên lên núi cạo đầu tu Phật. Bởi “con còn đời lắm”, tôi được vị sư cho xuống núi. Sau đó, tôi theo tu hết Vivekananda đến Krishnamurti, cả các vị Pô Adhya hay Pô Gru của Cham nữa.
Tôi theo sát Kinh cấm [hay Kinh Nhật tụng] của Cham. Từ 30 tuổi, hết sát sinh, cạnh đó – dù có thể sai, tôi quyết không được quyền ác. Không tham của người, không trộm cắp, không nói dối, tránh thị phi, hạn chế tối đa bia rượu.
“Giú mình trong bóng tối vô danh”, và chỉ xuất hiện, khi đã chín. Thế nên dù làm thơ, viết văn và nghiên cứu từ rất sớm, mãi tứ thập tôi mới trình làng. Lan tỏa câu chuyện Cham ra thế giới, càng rộng và xa càng tốt.
“Hết mình & tới cùng”, bất thối chuyển, chính là tinh tấn của một nhà văn.