Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan (Kiều)
Nợ tình, nợ tiền, nợ lời hứa… làm nên nợ đời. Câu hỏi: Làm thế nào đừng phải nợ đời? Hay dễ và gần nhất – nợ tiền? Nợ tình thì không biết, may – tôi hiếm khi nợ lời hứa, nợ tiền thì càng.
Không là dân kinh doanh, thế buộc – tôi cũng đã lao vào. Để rồi qua 10 năm, tôi “đóng góp” được 2 bài học cho cộng đồng. Kể góp vui bà con.
[1] Năm Đệ Tứ, ông thầy nói câu ám tôi mãi: “Cham chớ dại mở quán ở quê, dân Việt không mua đã đành, chớ Cham thì lánh xa; có mua thì mua chịu”.
Ý tưởng buôn bán chưa nửa lần thoáng qua đầu tôi, vậy mà năm 1991, khi thất bại te tua từ miền Tây về, tôi lại mở quán. Ở quê!
Hani đấu thầu đất Chợ Chakleng cũ, mới ghê. Ghê, bởi trước đó, hai chủ đã bỏ chạy. Can không đặng, tôi miễn cưỡng chiều. Thế rồi tôi thủ vai chính lúc nào không hay.
Để rồi sau năm rưỡi, quán kia trở thành hàng đầu Cham khi ấy!
Nó nổi tiếng đến nỗi bạn học cũ Hamu Tanran mời tôi qua nhà, đãi chầu nhậu, nhờ tư vấn.
– Quán mình 3-4 năm qua cứ trồi sụt như ma ám ấy, bồ bày cách vực dậy cho nó xôm cái.
Tôi bảo bạn đưa sổ kết toán hàng tháng cho xem. Bạn nói, có đâu. Tôi kêu: Bồ chết tại đó.
Bài học: LÀM VIỆC VỚI CON SỐ.
[2] Tôi vận dụng cụm từ “Khách hàng là Thượng để” trước cả mọi người. Tôi bán từ kim chỉ, bánh kẹo, phân bón cho đến nhậu. Cham nhậu chịu, bà con Cham mua chịu là điều không thể tránh, và tôi cũng bán chịu, chả ngán. Theo luật bù trừ, tôi chả thấy có gì to tát. Tại sao bán chịu mà không sập tiệm?
Như chuyện bia bọt, thử làm bài toán: 3 khách nhậu cuộc 1: 100.000đ, lãi: 30.000đ. Sau 2 cuộc, tôi bỏ túi: 60.000đ. Cuộc 3 họ thiếu 30.000đ, tôi chấp nhận, bởi lần 4 họ ít khi thiếu chịu… cho đến cuộc 10 nếu họ có thiếu 100.000đ, làm phép cộng trừ, tôi đã lãi ròng: 200.000đ! Số nợ kia tôi vẫn cho nó đứng, và xóa – nếu khó đòi.
Chuyện khác.
Chị nhà nghèo nhưng khá tần tảo, qua bác nhà bên vay nóng 100.000đ nấu nồi xôi bán cho đám học sinh nhà quê. Ngày cũng lãi được 40.000đ, nộp mạng 10%=10.000đ, còn lại đủ chi tiêu gia đình. Hai năm đi qua, rất ổn, dù vốn gốc vay cứ đứng yên – không vấn đề gì cả.
Tôi bày: Này nhé, tiền lãi mỗi ngày còn thừa 30.000đ, chị thử tiêu nhín xíu để dành 4.000đ, cuối tháng 4.000đx30ngày= 120.000đ đủ quyết toán một lần cái gốc luôn. Nghe lời tôi, và chị sướng!
Tôi đặt tên cho bài học này: TRIẾT LÍ TIỀN LẺ.
P.S. TRIẾT LÍ TIỀN LẺ [trích Chân dung Cát-2006]
“Trong khi lập hồ sơ bệnh án, Ông Malâm bất ngờ phát hiện thêm thứ bệnh lạ lẫm dẫu không làm sứt mẻ ai nhưng lậm đời nối đời và đã mãn tính – loại bệnh y học rất lúng túng đặt tên.
Với 80 mẫu ruộng trên hai nghìn khẩu nhưng dân ở đây sau vụ gieo, vội vã lùa trâu bán đứng cho trời nuôi trên rừng, rồi sau khi gặt chở bó lúa về cứ chất bỏ đó cả tháng đá banh, tán dóc đã đời mới vào rừng tìm trâu về đạp ra hạt. Ngoài ra không làm gì cả. Gánh hàng rong, làm rau muống, thả lưới cá bán ư? Hãy để mấy thứ lẻ tẻ đó cho ba Tàu với người Yôn lo. Cả làng có bốn quán tạp hóa nhưng là của người Hoa. Hớt tóc ư, đám con trai phải đạp xe hơn cây số lên Phú Quý, rủi xe có xì bánh thì chịu dắt bộ chứ đừng hòng tìm thấy thợ vá bánh là Cham tại quê. Thợ rèn, thợ hồ, thợ đập đá, bà bán mắm, chị bán bong bóng cho trẻ con… tất tần tật là người đàng quê phương nào lưu lạc tới và luôn được người làng nhìn bằng con mắt cha nội trên ngó xuống.
Thế là, cách không chính thức, ông phát động cách mạng với tuyên ngôn: HÃY BẮT ĐẦU TỪ BẠC LẺ!
Đến lúc này dân Chakleng cười thẳng vào mũi ông chẳng kiêng dè gì nữa. Họ rung đùi tiên đoán đó là cuộc cách mạng xì hơi sớm nhất trong mọi cuộc cách mạng tại đất nghìn năm này. Nhưng Ông Malâm đâu phải tay vừa. Chưa đầy nửa tháng sau người ta thấy nàng Hathaw kiêu sa là thế, ngồi ngay giữa chợ đằng sau giỏ cà xế rau muống to đùng, chả ăn khớp chút nào với nụ cười man dại lãng đãng của chị cả. Hãy cho tôi một tổ chức, tôi sẽ làm đảo lộn thế giới – ông bảo chính Lênin nói thế. Mà gia đình ông cũng đủ làm nên tổ chức ra trò.
Anh cả thôi học: đứng tiệm hớt tóc; thằng nhỏ nhất một buổi nghỉ: bán cà rem; cô gái lớn: giúp mẹ bó rau; cô Sáu lanh lẹ hơn: phụ trách rổ tạp phẩm gồm đủ kim, chỉ, trâm, lông não… Nghĩa là ông quyết dàn quân khắp mặt trận. Phần ông nối thêm chái, thu thập cả đống vật liệu cho công cuộc sản xuất hàng loạt trống Ginang, Baranưng.
Căn bệnh dân Chakleng vẫn chưa chịu thuyên giảm sau thành công mấy năm đầu của ông: họ vẫn chưa thôi cười giễu con người nhập cư tàng tàng này. Tiếc rằng các vị cười to hơn cả đã không sống dai để thấy tận mắt mười năm sau khi trong kí ức mọi người hình ảnh ban đầu về cuộc cách mạng bạc lẻ đã mờ nhạt, người phụ nữ danh giá nhất làng biết sản xuất kem bán sỉ và một kĩ sư nổi tiếng không kém cũng vừa mở ngay đầu làng quán cà phê đủ khả năng cạnh tranh cái mã với bất kì quán nào dưới thị xã Phanrang. Còn mấy chục bộ trống xuất chái ông đã bay đi khắp mọi miền đất nước trong đó không ít bộ đứng chễm chệ trong viện bảo tàng sang trọng bậc nhất tận Pháp, Nhật”.