Văn & người-1. TỪ TRỐNG ĐẾN RỖNG

[Về kiểm duyệt, tự kiểm duyệt & tự do sáng tạo]

Trên Talawas, 10-2-2004, nhà văn Phạm Thị Hoài phát một câu về văn học Việt Nam chung nổi tiếng: “Hậu Đổi mới là thời hoàng kim của tự kiểm duyệt”. Ở Litviet, 3-12-2011, thi sĩ Nguyễn Quốc Chánh đưa ra nhận định về riêng nổi tiếng không kém: Inrasara là một người hô khẩu hiệu lớn giọng nhất của cách tân mà không biết có bị quở mắng hay ăn đòn chưa hay chỉ toàn ẵm giải thưởng của ma cô?”

Đích thị! Tôi viết tự do, nhiều thể loại và “ẵm giải thưởng” các nơi, riêng mục “quở mắng hay ăn đòn” thì chưa.

Tôi chưa hề ý định viết báo, vậy mà đã đăng hơn 1.300 bài báo. Lạ là, tôi hiếm khi gửi, mà chỉ gửi đi khi được mời. Báo lớn hay nhỏ, trong hay ngoài nước, tôi vô ngại. Thế nên, không có vụ tự kiểm duyệt hay bị kêu cắt chỗ này nọ, nhất là khi nó đụng đến ý lớn.

Cứng đầu, tôi vẫn là đứa dễ bảo. Sau đây là 3 điển hình tiên tiến:

In tập tiểu luận đầu tiên: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006, trích Nguyễn Hưng Quốc vào bài chính, Nxb nhắn “anh Inrasara cho em đưa xuống phần tham khảo nhé” [tên tuổi nhạy cảm], tôi ok. 

Tập thứ hai: Song thoại với cái mới-2008, chú thích “Nhà xuất bản Giấy vụn, in… năm…”, Nxb Kiến thức kêu: “anh Inrasara bỏ chữ ‘Nhà xuất bản’ đi được không?” [bởi nó ngoài luồng], tôi ừ.

Bài thơ “Con đường vỡ” đã in trong tập Sinh nhật cây xương rồng-1997, tái bản năm 2018, Nxb Hội Nhà văn xin phép bỏ đi [“dễ bị suy diễn lắm”], tôi cũng vâng.

Thì được đi, bởi nó không đụng vào ý lớn, vậy mà một chuyện to đùng tôi lại chấp nhận, mới… khờ. Nó như vầy:

Gửi bản thảo tập thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư đến Nxb Hội Nhà văn, vị giám đốc kêu: Tuyệt, đã lâu rồi mới đọc được bản thảo hay đến thế, ẵm giải Hội Nhà văn năm nay là cái chắc. Anh Đăng Bẩy kể lại, và nhắn bên đó chỉ yêu cầu tôi thay chùm “Những ngày rỗng” bằng “Những ngày trống”, và tôi vâng.

Sau này, hai lần tái bản tôi phục hồi lại “trống” thành “rỗng” như xưa, bởi hai đứa nó vần thì có vần chớ lối nghĩ lại khác lớn!

Chuyển hệ.

Mỗi lần đi xa lâu ngày về, vừa đặt hành lí xuống là tôi mở vali, túi xách các thứ vào nề nếp. Vụ này có mấy cái lợi, nếu bỏ quên gì thì phon hỏi liền, có việc cần làm sớm thì cũng giải quyết ngay.

Sau đó, tôi quay lại dọn phòng, mà phòng nhà tôi thì to với đủ thứ ngổn ngang gò đống. Xong xuôi đâu đấy tôi mới ngồi nghỉ, kể chuyện với người nhà hay làm gì đó.

Sao phải làm thế? – Cho tất cả đều TRỐNG. Trống và thoáng.

Còn RỖNG?

Phòng thoáng, bàn viết trống mà đầu óc ta cứ chật chội bao nhiêu thứ thì làm sao có thể sáng tạo? Vậy, nó cần phải rỗng rang tuyệt đối! Làm gì? Trích “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”-2006:

“Đó là cô đơn trước tờ giấy trắng.

Khi tách rời khỏi sinh hoạt đàn đúm của giới văn nghệ, nhà văn có cơ hội suy tư độc lập, viết theo cách ta nhìn mà không lệ thuộc vào quan điểm của báo chí, của nghe nói nơi bàn nhậu hay quán cà-phê, của các ý tưởng sau quyết nghị hội nghị văn học, của tâm sự bằng hữu thâm tình, của khí quyển văn chương chung chung nơi đa số văn nghệ sĩ sống bám váy chữ nghĩa hay bám vào nhau. Kẻ sáng tạo nói lên ý tưởng của mình, những gì mình khám phá, trải nghiệm và tin tưởng mà không cần biết người bên cạnh nghĩ gì, nghĩ về nó như thế nào, nó có gây phiền hà cho cá nhân hay hội đoàn nào không, tòa soạn có nhận đăng nó không. Nhà văn tự do khỏi mọi dao kéo kiểm duyệt. Nghĩa là độc lập và cô đơn toàn phần.

Bởi cô đơn là tự do là sáng tạo.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *