Yêu, không chỉ yêu con người, mà còn yêu khả tính của người yêu để cả hai cùng làm cho khả tính kia khai mở.
Tôi không hiểu làm sao người đàn ông xem vợ như ô-sin hay máy đẻ mà tối xuống có thể ôm ấp nàng được; càng không hiểu đàn ông nhiệt với gái, trong khi họ chưa từng biết mặt. Nếu cái trước là thứ tình ích kỉ chỉ biết có mình, thì cái sau đích thị sự vong thân, hai sinh linh tìm đến nhau để giải quyết vấn đề riêng trong thoáng chốc.
Không nói đến tình yêu lí tưởng kiểu Exupéry: “Yêu nhau không phải nhìn nhau suốt ngày, mà nhìn chung về một hướng”, mà yêu phải là nhìn thấy giấc mơ nhau, hỗ trợ nhau hiện thực hóa nó. Chính là nhập cuộc vào trò chơi!
Muk Thruh Palei Bà Tổ Làng là giấc mơ dài lâu của tôi. Ở cộng đồng Cham, bà Phú Thị Mở người dì họ xa được tôi xem là hình mẫu cổ điển. Không phải vô cớ, đám tang dì, tôi đến quỳ gối [là lần đầu tiên] trước ‘cakung’ nói lời cảm tạ, tiễn đưa dì về với ông bà.
Thế hệ Hani đã khác, và phải khác.
HANI
Hani khỏe, đẹp, giỏi lam giỏi làm, năng khiếu giao thiệp, hát hay, múa đẹp, nghĩa là đầy tiềm năng. Năng 1992, tôi đưa cả gia đình vào Sài Gòn, và khởi động khai mở khả tính Hani.
Cty Thổ cẩm, Hani giám đốc, tôi vai phụ lại là chất trụ, làm nền cho Cty tấn tới. Muốn mở rộng, không thể thiếu món báo chí, thế là tôi dẫn dắt cánh này vào cuộc. Ở đó, tôi đổ tất cả công lao cho Hani, “chớ nhà văn mà làm gì ra tiền” – tôi hô. Nói mãi cánh báo chí và bà con Cham cũng tin là thiệt.
Không dừng ở chốn thương trường, Hani muốn tiếp cận thành phần trí thức. Vốn là giáo viên Mẫu giáo, tôi hỗ trợ cho bản thảo tập thơ Em, Hoa Xương rồng và nắng và tập truyện cổ Ngày xưa chó chú Thỏ, ra đời.
Rồi ở các Giải thưởng, tôi luôn dẫn Hani theo, sau đó nhiều buổi thuyết lớn của tôi như ở Sàn Art, Không gian Văn hóa Cham… cũng hệt, tôi dành thời gian cho Hani thuyết phụ họa.
“Tôi là thằng đàn ông chiều chuộng vợ nhất thế giới”, tôi tút thế.
Nhưng rồi, mùa Hè 2012, tôi bày: “Đã xong một phần đời, ta chuyển sang cuộc chơi khác nhé. Mẹ nó vẫn giám đốc, điều hành làm hàng đẹp, tinh và hiệu quả. Cầm 10tỉ về, ta dựng Nhà Trưng bày Văn hóa Cham ở quê, mẹ nó đi qua các nơi dạy trẻ con múa-hát. Mẹ nó sẽ đẹp, chị em chắc vui, bà con Cham được lợi”.
Hani hạ quyết tâm: KHÔNG, tiếp tục làm như cũ, cực, để rồi từ lỗ đến lỗ. Tôi đành quy hồi cố hương, một mình. Hani tự xóa tên trong danh mục trò chơi. Giấc mơ làm lạc loài.
Nhưng tôi sống không thể thiếu giấc mơ. Giấc mơ và trò chơi…
THETA [tên giả định]
Nàng đẹp, có tố chất và tháo vát. Chúng tôi đến với nhau như một định mệnh. Tôi còn tưởng tượng mình chết trước nàng một năm; sau khi thu xếp xong cho tôi, nàng cũng về. Một ‘klong’ (tinh cốt) của tôi ở lại Kut Chakleng với mẹ, một nữa về nằm chung mộ nàng. Lãng mạn chớ bộ!
Và tưởng tượng thêm:
Tôi tặng nhẫn ‘karah mưta’ cho nàng đeo tay không rời. Tôi gửi cặp viên sỏi nhặt dưới con suối palei cho nàng đặt ở bàn giấy nhìn ngắm mỗi ngày. Phần nàng, trồng đôi cây Trầm ở quê cho nó lớn lên cùng trời đất chứng giám mối tình chúng tôi.
Rồi hai tôi đến với nhau. Chúng tôi chăm sóc nhau đầy thương yêu trìu mến. Mỗi sáng tôi mỗi bày cà-phê+trà bắc ra khay mời nàng ngồi, tám trên trời dưới đất “vô nghĩa lí” mà chẳng hết chuyện. Theo thể điệu Lưu Trọng Lư ấy:
Ta mơ trong đời hay trong mộng?
Vùng cúc bên ngoài, đọng dưới sương
Ta hát dăm câu vô nghĩa lý
Lá vàng bay lả vào buồng ta
Ta viết dăm câu vô nghĩa lý
Người điên xem đến hiểu lòng ta.
Và tôi làm chất trụ cho giấc mơ nàng hiện thể.
Đâu là giấc mơ? Dân tộc bé nhỏ nguy cơ tự/ bị đồng hóa. Hãy nghĩ, phải qua mấy ngàn năm mới hình thành một ngôn ngữ, một nền văn hóa để rồi loáng cái nó biến mất khỏi mặt đất. Thảm không?
Câu chuyện dân tộc cần được kể lại cho thế hệ sau. Ai kể? – Theta, như một nhà văn. Bởi, nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc. Kể,
“dù chỉ còn dăm ba người, dù chỉ còn một người, hay ngay cả chăng còn ai” (Tháp nắng-1996)
đón nhận. Kể, dù biết chắc nó sẽ tiêu biến một ngày nào đó, trong vô cùng thời gian và vô tận vũ trụ. Câu chuyện kia cần có mặt. Nó làm nên ý nghĩ của vô nghĩa nàng trên trần gian này.
Đó là trò chơi. Trò chơi cần có hồi đáp từ hai phía. Có thể không? Hay tôi lại thêm một giấc mơ lạc loài?!