Chuyện đời thường-3. NỔ, CHỬI & NGHE CHỬI

… và làm thế nào vượt thoát?

Ở quê, mỗi bận các bà gây sự, hàng xóm hú nhau đến xem như coi hát. Khoái!

HTX chữ nghĩa ta hôm nay vẫn chưa thoát khỏi nỗi sướng khoái đó. Nhà thơ nào nổ to, “trí thức” nào chửi bạo, là cả đống người xúm vào live, love và hả hê. Chẳng đưa ra lí lẽ hay, đúng, chỉ cần nổ sao cho to, bạo, cũng đủ… sướng.

Ở cộng đồng Cham.

Xã hội luôn cần phản biện. AI kẻ xứng đáng đảm đương công cuộc đó? Hôm nay, ta quen cho rằng mọi mọi đều có quyền, vô phân biệt. Triết học Bà-la-môn nghĩ khác: chỉ có đẳng cấp Ksatriya!

Là một Ksatriya, từ chối nó, là bạn từ bỏ bổn phận. Câu hỏi: bạn có phải là một Ksatriya?

Hiện tại, khi quan điểm về đẳng cấp truyền thống đã nhạt nhòa, xác định việc ai là, hay ai xứng đáng khó biện biệt. Bởi tất cả đều bình đẳng trong việc cất lên tiếng nói của mình. Muốn biết AI có quyền tham chiến, điều kiện để xét là hắn đã từng chiến NHƯ THẾ NÀO? Và chỉ qua hành động mới xác minh được hắn là hay không là chiến binh.

Triết học Ấn Độ trường phái Nyaya phân tranh luận làm 3 cấp độ: [1] Đưa ra quan điểm khác vượt trội để đánh bại quan điểm của đối thủ, [2] Tranh luận là tranh thắng bằng lí luận, và [3] Cãi bướng [ở Việt Nam là chửi] khi đã đuối lí.

Hơn 2 ngàn năm trước, The Laws of Manu dạy: “… idle disputes, backbiting, and lying, and from hurting others” (II.179). Thực tiễn ở cộng đồng Cham vài chục năm qua trong các cuộc tranh luận, để xem bạn có xứng đáng là một Ksatriya hay không, hãy đặt ra cho mình 3 câu hỏi cốt tủy:

[1] Bạn có lao vào cuộc tranh cãi vô bổ không? [2] Bạn có đưa bằng chứng dối trá, hay lập luận giả ngụy hòng đánh bại đối phương không? [3] Nhất là, bạn có làm tổn thương đối phương bằng cách tấn công vào đời tư họ không?

Tôi thế nào? – Không cần vận dụng 3 cấp độ của trường phái Nyaya, mà: Kể câu chuyện thật, phân tích và bày nó ra như là thế, để làm BÀI HỌC. Thế thôi cũng dủ đánh đổ mấy ngộ nhận, bao xuyên tạc đầy vô minh rồi.

Chuyện kể.

Hồi biên soạn Từ điển ở Đại học, dư luận cả người học cao lẫn kẻ mới ‘akhar K’ kêu: Phú Trạm làm sai hết. Tin chớ bộ! Làm gì một tay nông dân vô danh tiểu tốt mới trình độ 12/12 mà biên soạn nổi Từ điển.

Hệt “ông Tàu điếc” như không có xảy ra ở đó, tôi nhờ Trung tâm photocopy 20 bản gửi đi các nơi xin ý kiến. Ba tháng đi qua, tôi cứ việc mình mình làm mặc bao ồn ào xung quanh, mãi đến ngày Hội thảo Góp ý Từ điển diễn ra tại Ninh Thuận.

Cả buổi sáng dành cho mục “góp ý”, mênh mông ý kiến đến nỗi ở tiệc trưa, thầy Thế kêu: “Sao đây Trạm?”, tôi nói: “Thầy nghỉ trưa cho khỏe đi”. Để rồi qua hai tiếng của buổi chiều giải minh, hơn trăm đại biểu tinh tuyển từ các nơi về, tất cả đều giơ tay Phú Trạm… đúng hết!

Bài học.

Dư luận, nhất là ở thế giới mạng hôm nay, như cơn lũ nhiệt đới tràn tới. Làm gì? Xuôi theo là hèn, ngược dòng thì dễ chết. Tôi làm khác, khác từ rất xa xưa. Ở “Thi ca và thi sĩ” trong Hành hương Em-1999:

“Chỉ chúng ta kẻ ngụ cư ngang thời gian

là không rớt lại”

Hãy cứ nằm ngang và yên đó, một năm hay mười năm không là gì cả, rồi từ từ cho SỰ THẬT NÓI CHUYỆN.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *