Đây là câu hỏi tôi thường xuyên gặp phải, từ các bạn sinh viên mới ra trường. Tôi nói, nếu bạn có ước mơ lớn, đừng làm thuê, mà hãy khởi nghiệp. Bắt đầu ngay “từ con số không, từ con số âm – có lẽ” [Tháp nắng-1982]!
Làm thuê, dù thấp cấp như thợ may hay trung cấp như nhân viên công sở, bạn chỉ có thể ổn định, đủ ăn chớ khó mà đổi đời được.
Tôi lấy ví dụ từ thực tiễn Cham.
[1] Năm 2021 sau trận Covid-19, tôi cho vợ chồng trẻ Cham [có 2 con nhỏ gửi bà coi] mượn ½ cây vàng làm ăn, trả lại tôi khi thành. Và tôi tin chắc nêu làm đúng kế hoạch, họ sẽ thành.
Nhà có 2sào đất, có ao nước tự nhiên, điện nước đủ đầy. Cả hai đang công nhân, tôi nói: “Đi làm thuê xa 8tr+5tr/tháng không bằng thu nhập 200k/ngày ở nhà”, đó là sự thật. Tôi bày:
– 200m2 trồng rau mang bỏ chợ mỗi sáng, tiền vào tiền ra đủ ăn.
– Đất và nước tốt, nuôi 10 gà mái, 20 vịt đẻ tăng thu nhập.
– Diện tích còn lại, trồng 50 cây ăn trái vài loại khác nhau, 3 năm sau thu hoạch.
– Con cái mình chăm, mình làm chủ đời mình, và “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện” – ổn định là cái chắc.
Đang ngon trớn, nửa chừng do nóng lòng muốn ăn nhanh, ông chồng phá vỡ kế hoạch ban đầu, tậu 200 vịt đẻ trứng về nuôi, để chỉ qua 3 tháng vốn liếng tiêu tán đường. Lặp lại đời làm thuê. Đó là chuyện ở quê, còn Sài Gòn…
[2] Năm 2001, em họ vừa tốt nghiệp Cao đẳng Phan Rang đang chờ việc, vào chỗ tôi bán thổ cẩm. “Tiền đếm mỏi tay”, chú kêu. Sau ba tháng, chú chuẩn bị về, tôi nói:
– Anh chị rất cần em, vậy nhé: Nếu em muốn an toàn, cứ về dạy cấp II, lấy vợ sinh con, nhà cửa ổn định, chiều về cùng đám bạn tà tà lai rai, rồi hết đời. Ngược lại, hãy thử nghĩ khác: phiêu lưu. Em ở đây, sau 3 năm có vốn anh chị cho tách ra làm riêng. Sài Gòn là trung tâm kinh tế số 1, đất nước đổi mới mở ra cơ hội lớn…
Như thói thường, chú về, và đời người lặp lại, như bói!
Trong khi đó, Ng. nữ Việt cùng tuổi, học thấp hơn, và cũng tiêu thụ “hàng cô Trụ”. Cô thuê 1 góc nhỏ thương xá TAX, khởi nghiệp – và giàu.
[3] Chuyện tôi
Làm việc ở 3 cơ quan, tôi chưa từng làm đơn xin việc. Có lời mời, tôi nhân, và luôn nghĩ: TẠM THỜI. Bởi tôi đang hướng về phía khác, lớn hơn rất nhiều. Thế nên tôi mới từ bỏ, cắt đứt dù công việc đang tốt lành…
Làm ăn, tôi bỏ từ đời làm thuê đến nghề làm ruộng, từ quán tạp hóa đến Cty thổ cẩm đang lên.
Nghề nghiệp, tôi bỏ từ Kế toán trưởng HTX đến biên chế Ban Biên soạn, bỏ từ việc làm ở Đại học đến Chủ tịch Hội đồng Thơ “sang trọng” của Hội Nhà văn Việt Nam.
Làm chủ đời mình, tự do tuyệt đối với công việc của mình, để thành công, và VUI.
Tôi dạy con-41. CÓ THỂ LÀM MỘT LÚC 2-3 VIỆC KHÔNG?
Câu trả lời: có thể! Bộ óc con người lạ lắm, nó như cái tủ nhiều hộc, nhiều ngăn. Biết sắp xếp khoa học, ta có thể xong ngăn này mở ngăn khác, làm tiếp – như Napoleon ấy. Hay cùng lúc mở vài hộc, công việc cứ thế tiến hành.
Đây là kinh nghiệm của tôi…
[1] Giai đoạn 1982-1986, ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm
8g sáng đến 4g chiều: làm việc chính như một công chức, thực tế ở đó mọi người chỉ làm tối đa 4g/ngày.
Thời gian còn lại trong khi các bác, các thầy chơi cờ, tán gẫu [khi đó chưa có nạn dzô dzô], tôi đọc sách và làm thơ.
Các buổi chiều và Chủ nhật, tôi đạp xe về palei Cok làm kế hoạch V-A-C nuôi sống gia đình.
Lạ, chính giai đoạn đói khát này tôi SÁNG TÁC mạnh nhất, việc phụ như thể chuẩn bị cho hoạt động CHÍNH của tôi ở giai đoạn sau.
[2] Giai đoạn 1992-1998, ở Sài Gòn
Biên soạn Từ điển tại Đại học là chính, làm đủ 8g/ ngày.
Còn lại, tôi đứng trụ kinh doanh: Bán hàng và tổ chức Cty, gia đình giàu lên từ việc làm này. Thời gian này, ở thương xá TAX tôi cùng lúc vừa phụ bán thổ cẩm, vừa viết truyện ngắn và cả sửa bản thảo Văn học Cham khái luận.
Làm hai việc, hở là tôi… nghiên cứu. Là việc PHỤ nhưng mang lại cho tôi thành quả lớn hơn cả.
[3] Giai đoạn sau 1998, khi quyết hết mình cho chữ nghĩa, tôi làm cùng lúc:
Việc chính: Sáng tác [thơ, tiểu thuyết, tùy bút], Phê bình, Chủ trì Bàn tròn Văn chương, Tổ chức Ra mắt Sách…
Viết báo và thuyết trình, tôi có tiền xài từ hai việc phụ này.
Ngoài ra tôi còn được việc cho cộng đồng Cham: Lên tiếng các vấn đề xã hội, sáng lập và điều hành đặc san Tagalau, Tổ chức San định Kinh sách Cham, Tổ chức website Inrasara.com, kênh Inrasara-TV…