Tút trước, bạn Hai Ng Ngoc còm: “Nếu thế giới có trao giải Nobel văn chương/ văn hóa cho Inrasara thì tôi chẳng ngạc nhiên.” Vụ này ít ra cũng đã có chục người nhắc… Ban Giám khảo, nhưng họ quên đưa vào danh sách!
Tôi hoạt động 9 lĩnh vực, cả món tưởng chả dính đến Cham như phê bình văn học, cũng liên quan Cham đáo để. Ví dù giải Nobel có rớt lên đầu tôi, nó phải dành cho SARA-KẺ KỂ CHUYỆN CHAM. Đợi đến chuyện cổ tích ấy xảy tới, thử xem tôi đã kể thế nào.
Thuở bé, tôi ưa hóng chuyện người lớn, không phải ngồi lê đôi mách, dòm qua khe cửa đời tư kẻ khác mà là, truyện cổ, khoái nhất là câu chuyện đời sống Cham. Nghe mê mẩn, chuyện hết vẫn còn thèm.
Rồi từ tuổi 15, tôi lang thang các palei kể chuyện. Mọi mọi Cham đủ lứa tuổi xúm lại nghe, nhóm có khi lên tới chục người. Tôi thu hút họ bằng ngôn từ, chất lửa và sự thoải mái ở giọng kể.
Làm nhà văn, tôi bắt đầu kể kiểu khác…
Tôi & con người Cham
Cha mẹ và Chakleng quê hương, anh chị em tôi, những người đàn ông ngoại hạng và các người thầy đẳng cấp của tôi, Urang Cham và bằng hữu tôi.
Từ sắm vai trí thức lên tiếng vấn đề cộng đồng, tôi càng đi tợn. Từ Panrang, Kraung, Parik, Pajai cho đến An Giang, Tây Ninh, Cambodia, Hải Nam, Philippines… không đất nào không in dấu chân tôi.
Đặc san Tagalau thu hút vài trăm tác giả dự phần, mở website Inrasara hàng triệu lượt người đọc và bình luận, tôi càng nhiều cơ hội tiếp xúc với sinh linh Cham, cận-Cham và cảm tình-Cham Tây lẫn ta cùng bao nỗi. Tâm tư thầm kín hay ý nghĩ hiển lộ, ước mơ và hiện thực, người tài năng, kẻ bất tài hay bất lực cũng không chừa.
Nghiên cứu cũng là kể…
Văn chương & ngôn ngữ Cham, tôi kể qua các buổi giảng, các tác phẩm: Bộ ba Văn học Cham, sau đó là Minh triết Cham, Những cuộc đi và cái Nhà, Đường về Chàm...
Rộng hơn, từ nhập cuộc chữ nghĩa, tôi làm thơ và viết văn, tôi nghiên cứu và phê bình; tôi Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn và tôi Trưởng Ban lí luận phê bình Hội VHNT các Dân tộc Thiểu số; tôi chủ trì Bàn tròn Văn chương hay tôi diễn giả; tôi cổ súy phong trào hậu hiện đại hay khai mở cho các dòng văn học ngoại vi có mặt công bằng; tôi trả lời phỏng vấn báo đài trong lẫn ngoài nước và tôi phản biện bao sai trái báo chí buộc họ đính chính hoặc gỡ bài.
Nhập cuộc vụ việc nóng của Cham, tôi kể…
Từ Trường Pô-Klong, Ban Biên soạn đến Trung tâm Văn hóa Chàm; từ kế toán trưởng phong trào thí điểm hợp tác hóa nông nghiệp làng Cham đến làm chất trụ cho Cty Thổ cẩm Cham đầu tiên; từ dấn thân hóa giải xung đột nhỏ lẻ đến trực chiến các vụ lớn; từ vai chính biên soạn Từ điển Cham cho đến hóa giải bao chuyện cục bộ.
Cả món bị cho là nhạy cảm, tôi vẫn có thể kể tuốt tuồn tuột. Vụ 7 sinh linh Pabblap Birau bị giết oan, vài Cham biết, biết và tự hứa sẽ viết cho con cháu làm bài học. Tôi nói, tại sao không kể bây giờ, cho Cham biết để có tâm phòng người, và nhất là cho “triều đình” các giai đoạn lịch sử Việt Nam hiểu Cham hơn.
Và tôi đã kể, không nhằm gợi căm thù, mà HIỂU BIẾT, để “giải sân hận”.
Sao lại sợ sự thật, nếu ta kể và tiếp nhận với tâm sáng?
Cuối cùng, tôi kể câu chuyện tôi…
Tôi với tinh thần văn hóa Cham, tôi và tác phẩm tôi cùng lề thói làm việc của tôi, ý tưởng cùng giấc mơ tôi. Tôi học, bỏ học và dạy học, tôi làm ruộng, thú y và buôn bán. Vân vân thứ, tôi đã hay chưa nhưng chắc chắn sẽ kể.
Mọi mảnh đất, chân trời tôi đi qua, tôi luôn để lại dấu vết – đậm và nhạt. Ở đó, tôi mãi mãi là kẻ đốt lửa, nuôi lửa và truyền lửa. Dấu vết ấy cần thiết có mặt, sự có mặt ấy cần thiết cho tôi, cho sinh linh quanh tôi, và cho… hư vô.
Thây kệ tôi là cái quái gì, tại sao không?