Giải trí buồn. NỖI NIỀM KARAOKE

Mọi người cứ nghĩ tôi học giả lụ khụ cụ non ghê lắm, có thế đâu. Tôi cũng là nghệ sĩ, nghệ nòi chớ chẳng chơi. Năm 2005, VTV1 còn bình chọn tôi 1 trong 4 Nghệ sĩ Tiêu biểu của năm nữa là! Nghĩa là cũng yêu thơ phú, cũng khoái hát hò, và từng Karaoke…

Riêng Karaoke xảy ra bao nhiêu nỗi, kể tuần tự…

Năm 1991, Quán Tạp hóa nhà tôi giữa làng mở hàng Karaoke đầu tiên, hát trả tiền. Nhà không vách ngăn, tôi vẫn ngủ ngon lành, dù volume to cỡ nào. Rồi một sáng, ông Hiến qua gặp tôi:

– Trạm bán quán cũng cho bà con ngủ chớ!

– Ôi may mà ông nhắc, không thì mang tội với bà con mà mình không biết [khi ấy tôi chưa biết học nói lời cảm ơn người chỉ ra cái sai của mình].

Sáng, tôi bảo cô Trụ [chưa lên đời thành Inrahani]: 10g phải tắt nhé. Cô Trụ kêu: họ còn muốn hát mà.

– Mẹ nó được vài ngàn trong khi bà con mất ngủ, là sao?

Với người nhà tôi đã xử như thế, dứt khoát.

Năm 1997, tôi làm dân Sài Gòn, lâu lâu về quê. Quán bên cạnh lại Karaoke, lại quá giờ, sáng sớm tôi qua nhắc. Vẫn hệt điệu cô Trụ hồi xưa: Khách còn muốn hát mà, chú Trạm à.

– Không khéo giàn Karaoke bị hốt lên Huyện đó. Chú cháu mình giúp nhau tí, cũng cần biết tôn trọng dân làng nữa.

Cháu ấy hiểu ra, và tiếng hát quá giờ yên giấc từ đó.

Tại Sài Gòn, vợ chồng trẻ cứ 8g là Karaoke, khu trọ cách nhà tôi trăm thước, mà giọng thì ôi thôi, nhạc với ca từ phần ai nấy đi. Tôi nhờ nhân viên qua nhắc, Chủ nhật tới chương trình lại tiếp tục, tôi phon đến Tổ Khu phố.

Sáng cà-phê hẻm, chuyện râm ran, anh chồng trẻ xót cho vụ mất tiền. Tôi đưa 500k, nói: Chú vừa xin bác ấy, rằng cháu mới về chưa hiểu luật Khu phố mình.

Giúp giải quyết vụ việc gọn nhẹ là vậy, chứ để cho công nhân với nhau, chỉ có cãi lộn với nắm đấm mà nói chuyện. Vụ Karaoke của dân ta thì bát ngát…

Về Chakleng 4 năm, tôi ngủ phòng nhà cháu Diễm, cách tuần là tiết mục Karaoke. Giàn hát sát cạnh, tôi ngủ ngon như thường. Cô Trào hát thì tôi càng yên giấc: giọng êm nhẹ, loa mở đủ nghe phạm vị hẹp.

Vợ chồng thầy Chương qua Mỹ, tôi chuyển sang phòng xa “trung tâm” Karaoke hơn. Vậy mà, Tết 2024, ngoài sân mới đến 9g30 cái loa khủng đã đánh thức tôi. Tôi ra kêu vặn nhỏ lại, các cháu chơi thêm 2 bài rồi tắt. Sáng, tôi nhắc: Sau 10g còn hát là bị phạt đó. Tôi có tút về vụ này.

Chuyện mới nhất cũng vậy. 11g30, chàng Kara lôi tôi khỏi giường. Khi ấy trời vừa tạnh mưa, tôi gọi “du kích” không ai nhận máy, tính phon cho thầy Thính pô palei ngại giờ này anh ngủ nên thôi. Ra ngoài tôi bảo cháu An qua, An kêu: Sợ lắm, toàn người lớn không à. Thế là tôi chống gậy, đạp mưa đi.

Âm vang về đêm dội to, người có tuổi khó ngủ. Nếu nhà bên cạnh chú ý nhắc nhau thì hay hơn. Lẽ nào mình sướng để người khác khổ.

Và lẽ nào để cho nhà văn lớn của Cham mất lòng bà con mình, bởi chuyện nhí là… Karaoke. Tội chết đi!

P.S.

Chuyện lớn nhỏ gì tôi cũng xía vô, chán thiệt chớ. Nhưng tánh Bà Trời kêu vậy, đành chịu.

Vụ Ghur Raneh, bạn thơ tôi la: Sara có là Bà-ni đâu, khi không ách giữa đàng mang vào cổ. Tôi nói: Trí thức là đi tìm lấy cái ách mang vào! Vụ Kut Boh Dana bà con kêu, tôi vào cuộc đã đành, chớ chuyện giáo viên Cham ở Trường DTNT Ninh Phước, hà cớ tôi nhảy vào? Ừa, thì cũng Bà Trời bắt thế.

Gần, chuyện nhỏ như vụ lấn Hầm Mỹ ở Chakleng, to là “Đi tìm Sinh lộ cho Cham Ahier Awal”, tôi cũng bị Bả sai, còn đòi tôi lo xa hơn nữa: Chuyện của Thổ dân Úc, rác thải biển Đài Loan, nạn nhân Điện hạt nhân Nhật Bản…

+ Sẵn rạp hát với Trưởng thôn luôn, mấy lần tôi thấy-nghe chiếc xe lớn CHỞ QUÁ TẢI [là điều không được phép] chạy qua đường làng mình, là điều chí nguy. Khéo nó sẽ bị như đường lên Hữu Đức cho mà coi. Tôi [lại ông Sara] 2 lần nhắc, nhưng lâu lâu vẫn nghe tiếng “nó”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *