Mùa Đại học, thêm một bạn hỏi: Cei Sara bỏ Đại học và thành công, ctheo cei con có cần học Đại học không? Tôi nói cần và không, cần cho 999 người và không cho 1 còn lại.
Trước Covid-19, VTV9 có buổi phỏng vấn “Khoảnh khắc Inrasara”, tôi kê ra 9, và họ chọn 1: “Bỏ Đại học”.
Năm 1977, vào Đại học Sư phạm TPHCM khoa Văn, được một tuần, tôi thi qua khoa Anh. Ngồi giảng đường chưa hết năm, thấy Đại học chẳng có gì để học, tôi bỏ về quê cày thuê mua sách đọc, thu nạp tri thức tôi thực sự cần cho vấn đề của tôi. Quyết định đó đã bẻ ngoặt đời tôi.”
Cần hay không cần Đại học, bạn phải đặt ra cho chính mình câu hỏi mang tính định mệnh: TÔI LÀ AI & TÔI MUỐN GÌ? Riêng tôi, bỏ Đại học, tôi nằm trong nhóm 1/1000 đó. Tại sao?
Trả lời câu hỏi thứ nhất: Tôi là ai?
Tôi học giỏi, thêm gien “quý tộc” [ông nội Bà-la-môn, ông ngoại Gru Urang Thầy cao đạo và là tác giả trường ca Ariya Rideh Apwei]. Dẫu sao,
Tôi là Cham sinh trong gia đình nghèo thuộc một làng Chakleng nghèo ở một tỉnh nghèo trong đất nước nghèo.
Bám Đại học, ra trường tôi là giáo viên Văn cấp III, cũng có thể là Phó Giám đốc Sở Giáo dục hay Đại biểu Quốc hội. Đời ổn định, và xong phim.
Tôi muốn gì? – Là nhà văn tự do kể câu chuyện Cham ra thế giới rộng lớn.
Bỏ Đại học, tôi đã vạch KẾ HOẠCH & MỤC TIÊU cho tương lai. Ngoài tìm sinh nhai, tôi đọc và viết, rồi vứt bỏ và viết. “Giú mình trong bóng tối vô danh” nơi làng Cham nghèo, không nóng vội xuất hiện, không hối thúc mầm non mau lớn…
Môi trường xung quanh ư? Không sao cả! Tôi siêu cá biệt, thây kệ anh chị em làm gì, bà con láng giềng nghĩ gì, tôi đi con đường tôi chọn lựa, “hết mình & tới cùng”.
Để rồi, khi đủ lông đủ cánh, tôi tự tin đi vào Trung tâm Văn hóa lớn “thi thố”, chứ không ở lại kèn cựa anh em sau lũy tre làng.
Đơn giản vậy thôi.
Nếu bạn làm được như thế, thì vứt quách Đại học đi. Còn không, cứ như 999/1000 còn lại, là ổn. Đời vẫn đẹp…