Tôi dạy con-18. HÃY ĐẨY KHẢ NĂNG LÊN TẦM CAO NHẤT CÓ THỂ

[hay. Từ khiêm tốn đến Kiêu hãnh sang trọng]

Không phải hàng đầu, cũng không phải số 1 hàm ý so sánh, mà – ở mỗi công việc, con hãy đẩy khả năng của chính con lên tầm cao nhất có thể. Hay nói đầy hình tượng như Nietzsche: Nắm lấy tóc mình mà kéo lên!

Thế hệ tôi, Chakleng từng sở hữu 3 sinh linh có tài năng thiên phú – gần như toàn diện, nhưng rồi 2 người do tâm tính, đã tự phá hoại chính mình, 1 còn lại cũng đang mang nguy cơ đổ bể. Sau đó, Chakleng sản sinh 1 thiên tài siêu hạng nữa, nhưng do “không ai hiểu cháu cả, cei Trạm à”, thế nên chàng trai cả ngày đi lang thang và lang thang…

Tôi hơi khác, luôn tỉnh thức, và khiêm cung học – hòa nhi bất đồng [dù không đồng ý nhưng vẫn sống chan hòa với mọi người].

Câu cá, tôi theo ông Cầu ở Long Bình, học. Sau đó tự nâng cấp, để trở thành tay sát ngư siêu hạng của palei Chakleng, đến năm 30 tuổi, tôi bỏ nghề này! Còn chuyện chữ nghĩa…

Bạn cứ nghĩ một chàng trai nông dân Cham sống ở quê nghèo vô danh tiểu tốt được mời vào Đại học TPHCM, soạn Từ điển song ngữ Cham Việt. Bằng cấp – không, địa vị – không, Đảng viên càng không. Vậy mà giữa bao nhiêu người danh giá, hắn được bầu làm Tổ trưởng!

Là sao?

Soạn Từ điển mà tay trắng, trong khi tôi chuẩn bị tất, tôi còn dự liệu cả những trở ngại có thể xảy tới!

Thầy Bùi Khánh Thế từ Nga về họp “hội đồng”, ở đó tôi đưa ra: [1] Đề cương chi tiết 7 trang, [2] Tài liệu cả vali lớn, và [3] Cách làm rất ư khoa học. Cạnh đó tôi còn in ra 20 trang nhận xét ưu và khuyết về 2 cuốn Từ điển từng có mặt trước đó là: Aymonier và Moussay [Rủi thay, bản thảo thất lạc lúc dọn nhà, không tìm thấy cho anh Ysa].

Nhập cuộc chơi thì chấp nhận chịu trận, và không thể không “đấu”. Ở Sài Gòn là giải minh để Từ điển được tiếp tục biên soạn, ở Phan Rang là minh định để giải tỏa bao thắc mắc từ cộng đồng [đã kể]. Nhớ đó là năm 1992-1994. 

Dẫu sao chớ vì thế mà con ưỡn ngực lép. Khi đạt đến “đỉnh”, 2 điều cần nhớ:

[1] Tách ra khỏi cãi vã vô bổ:

“Chiến trường Akhar thrah” – tôi từ chối dự cuộc, rất dứt khoát. Có, nhưng đó là giúp giải minh vướng mắc từ hai phía, một ở Hội thảo tại Phan Rang do Thứ trưởng Bộ Giáo dục về chủ trì, một về chữ NƯGAR, bằng tinh thần Hóa giải & hòa giải. 

[2] Khiêm cung, chớ cố chứng minh mình đúng, khi không cần thiết.

Thuở còn làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, bài báo tường của tôi về ‘lang likuk’ “tiền tố” bị xì xầm. Tại phiên họp cuối tuần, tôi nói, đó chỉ là ý kiến riêng, về mặt Sư phạm, cách làm của quý thầy có lẽ hay hơn. Thế thôi, chuyện tưởng gai góc thành êm thắm.

Nhiên!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *