Ngày mai là lễ Rija Nưgar của Cham, đăng lại bài viết này cho độc giả tham khảo.
Katê là xuất phát điểm từ Cham Ấn Độ giáo. Cuộc lễ chính cử hành tại tháp, các bài cúng tế liên quan các vị thần Ấn giáo, chủ yếu là Shiva, tiếng Cham: Pô Ginwơr Mưtri, chủ lễ là Pô Adhya thuộc Cam Ahiêr, và nhất là hôm nay đại đa số cộng đồng Cham lên cúng tại tháp là Cham Ấn giáo (tức Cham Bà-la-môn, Cam Ahiêr).
Vậy tại sao cả người Cham Bà-ni Cam Awal cũng lên tháp cúng dường, khấn vái? Vấn đề liên quan đến lịch sử: Ấn giáo là quốc giáo Champa, người Cham hành lễ Katê không gì lạ. Chỉ sau này, khi Islam du nhập Champa, rồi một bộ phận sinh linh Cham đi theo, thế nên bà con vẫn giữ nếp cũ: gắn bó với Katê là lẽ thường tình.
Quốc vương là chung, không phân biệt của Bà-la-môn hay Islam, mà khi các vị được thần hóa, thì Cham thuộc hai bộ phận tôn giáo này cùng phục vụ.
Ấn giáo đã được Cham hóa hoàn toàn, từ đó dấu vết tôn giáo có nguồn gốc Ấn Độ nhuốm nhiều màu sắc dân tộc, bộ phận người Cham Bà-ni phục dịch và làm các lễ bái Ấn giáo bản địa này mà không chút đối kháng về đức tin.
Cuối cùng, sau thời Pô Rômê, người Cham Ahiêr lẫn Awal qua lại phụng sự nhau hài hòa và hòa đồng. Đến mùa Ramưwan, chị em Cham Ahiêr đội bánh trái qua Sang Mưgik cúng dường Pô Acar, hay sau lễ Rija Nưgar, Cam Ahiêr mời thầy Acar Bà-ni về tận nhà cúng dê… Đó là nét rất riêng trong tôn giáo-tín ngưỡng Cham.
Katê xuất phát từ Cham Ấn Độ giáo, qua biến thiên lịch sử, đã thành lễ hội chung của Cham, không phân biệt. Bên cạnh Katê, cộng đồng Cham còn có lễ Cabbur (đọc là chabun) tổ chức vào đầu nửa cuối tháng chín Cham lịch, để tưởng niệm MẸ. Lễ này ít người biết tới, nên không biến thành hội; mặc dù trước kia nó có vị thế quan trọng không kém Katê. Chú ý, lễ lớn nhất của cộng đồng Cham Awal ở làng Bumi thuộc Bình Thuận là Cabbur chứ không phải Ramưwan hay Katê!
Đối chiếu với Tết Nguyên đán của Trung Hoa, Việt Nam và các nước trong vùng Bắc Á, Katê không thể gọi là Tết Cham, mà chính lễ Rija Nưgar mới mang đầy đủ ý nghĩa Tết.
Katê không tổ chức vào đầu năm Cham lịch như Rija Nưgar, Katê tưởng niệm tổ tiên và vua chúa thuộc LIKEI (nam, khác Cabbur, thuộc KAMEI, nữ), trong lúc Rija Nưgar mang ý nghĩa Tống khứ cái xấu xa ra khỏi làng, khỏi cộng đồng để đón nhận mọi đều tốt lành vào palei.
Katê, đại bộ phận Cham Ahiêr tham gia, sau đó mới tới Cham Bà-ni (như phân tích ở trên), trong lúc lễ Rija Nưgar, tất cả người Cham không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo đều hành lễ với cách thức gần như nhau, cùng ngày tháng mà chỉ có vài khác biệt nhỏ.
Tại sao Katê hôm nay biến thành lễ hội lớn như thế, trong lúc Rija Nưgar càng ngày càng vắng bóng người? Câu hỏi này đã phần nào được giải đáp trong bài Hành trình Katê của Inrasara. Tắt một lời, vì Katê có lên tháp, từ đó lễ dễ biến thành hội. Thêm văn hóa du lịch, nên Katê lôi cuốn giới trẻ Cham, thu hút du khách thập phương đến với nó, từ đó hai tiếng Katê trở nên nổi tiếng là điều bình thường. Mọi người trong cộng đồng Cham, người ngoài cả trong lẫn ngoài nước cũng chấp nhận Katê như thế. Nhận Katê là lễ hội lớn nhất của cả dân tộc.