Nghĩ-67. PHÊ BÌNH VĂN HỌC – THỪA & THIẾU

Một hệ mĩ học sáng tạo chỉ có thể được vượt qua bằng phê bình tác phẩm đại diện xuất sắc thuộc hệ mĩ học đó, chứ không phải ngược lại.

Phê bình hôm nay đang thiếu, thiếu và thừa lớn.

Thiếu tư thế tự do cần thiết nên thừa sự tránh né, cả nể.

Không đủ cô đơn cho phê bình, nghĩa là thiếu giữ một khoảng cách cần thiết với đối tượng nên phê bình dễ tạo cảm giác thừa tinh thần phe nhóm, cánh hẩu.

Thiếu bản lĩnh chuyên môn, do đó, các nhận xét đều thừa ý kiến vừa xu thời vừa bất cập, tùy tiện.

Cuối cùng, thiếu hiểu biết về lao động nghệ thuật cùng lòng say mê nghề nghiệp, nên thừa bài viết theo sơ đồ sáo ngữ làm sẵn, ở đó hoàn toàn vắng bóng suy tư.

+
Giải minh về phê bình thơ dở.

[1] Rất nhiều người lôi các bài thơ hậu hiện đại, Tân hình thức ra phê phán.

– Đấy tệ như vậy mà Sara cứ ca. Tôi nói:

– Đúng, dở tệ, nhưng bạn sai to rồi, cho phép bạn nói lại.  

– Thì chính anh bảo dở tệ mà…

Này nhé, Hoài Thanh đã phải đọc vạn bài “Thơ Mới” mới chọn ra hơn 150 đưa vào Thi nhân Việt Nam. nghĩa là Thơ Mới dở chiếm non trăm lần. Hiểu chưa?!

Hậu hiện đại hay Tân hình thức cũng hệt. Chốn này bạn chộp đầu mấy bài dở ra để chê hậu hiện đại, Tân hình thức thì đó là hỏng mang tính phương pháp luận.

[2] trích Phong Điệp trò chuyện với nhà thơ Inrasara, báo Văn nghệ, 24-5-2008:

Hỏi: Nếu độc giả hỏi: Những tác phẩm [Tân hình thức và Hậu hiện đại] ấy bị loại vì nó chưa hay nên báo chí buộc phải từ chối đăng tải thì sao? Văn chương của anh – anh có thể mặc sức thể nghiệm nó. Nhưng báo chí thì luôn có những tiêu chí đánh giá nhất định mà chất lượng của tác phẩm là một trong những yêu cầu tiên quyết…

Inrasara: “Chưa hay” – đúng lắm. Đó là vấn đề chất lượng. Còn “tiêu chí đánh giá” – càng đúng nữa! Đây là chuyện thuộc phạm trù mĩ học. Câu hỏi phải được đặt ra ở đây là: Làm sao có thể đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học này bằng/ qua tiêu chí của hệ mĩ học khác, để từ đó thẩm định hay/ dở của nó? Đứng bên này bờ hệ mĩ học lãng mạn để đánh giá thơ tân hình thức hay hậu hiện đại, có thể được không? – Sức mấy!

Còn nếu các loại báo [chuyên văn chương] đồng loạt không đăng thơ tân hình thức của tôi [và không chỉ riêng tôi], thì vấn đề mĩ học cần được đặt ra. Còn cứ để cho các nhà thơ “mặc sức thể nghiệm” để mình mình biết mình mình hay, thì nền văn chương sẽ đi đến đâu?

Đâu phải cái mới nào cũng hay. Sao cứ đòi thơ tân hình thức, hậu hiện đại phải “hay” ngay từ buổi đầu nó chập chững ngơ ngác? Cái mới nào cũng thế, cần qua bao nhiêu trải nghiệm, sàng lọc mới đọng lại vài cái đáng lưu kho. Qua thẩm định của người đọc đặc tuyển, nghĩa là kẻ được trang bị vốn hiểu biết về hệ mĩ học văn chương đó, đánh giá hay/ dở từ số lượng khổng lồ các tác phẩm thuộc hệ mĩ học đó. Và còn phải qua thẩm định của thời gian nữa. Ở đây đòi hỏi trước tiên là chớ loại trừ các sáng tác khác lạ kia ra khỏi đời sống văn chương. Hãy để cho các hệ mĩ học sáng tạo cùng tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Cuộc cạnh tranh thơ ca hôm nay cũng thế, nó đòi hỏi một môi trường lành mạnh, để các giọng thơ, các trào lưu, hệ mĩ học khác nhau cùng tồn tại và tranh đua, đẩy nền thơ ca Việt dấn tới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *