Cuối tuần, thử chê 1 siêu sao Việt, 1 siêu sao Cham… chơi.
Phạm Duy mất, tôi có viết: Tân nhạc Việt Nam, Trịnh là thiên tài, còn vĩ đại phải là Phạm Duy. Thể tài đa dạng, ngôn từ phong phú, mà ông đụng đâu là sáng tới đó – phổ thơ là một. Thế nhưng vĩ đại thế nào cũng có lúc lầm sai.
Thơ Phạm Thiên Thư:
“Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng” (Trường ca Động Hoa vàng-1971)
Hà cớ ông thay NHỚ = KHÓC. Vừa trật với nguyên tác, vừa hỏng về thi ảnh, và sến chết đi được. “Nhớ rưng rưng” mới ác liệt, chớ người yêu mà “khóc rưng rưng” thì thơ và tình đi đời nhà ma [chữ Bùi Giáng] rồi!
Siêu sao Việt là thế, còn siêu sao Cham thì sao. Thơ Inrasara:
“Nụ cười phiêu lãng trên môi” (“Apsara, vũ nữ Chàm”-1979). Ca khúc cùng tên phổ thơ Inrasara, nhạc sĩ Amư Nhân biến tấu [hài] thành:
“Trên môi cười điệu nghệ”
Thứ nhất, ca từ vô nghĩa; thứ hai: biến nỗi thơ ngây lãng đãng: “nụ cười phiêu lãng” thành cái điêu luyện nhân [giả] tạo: “cười điệu nghệ”.
Chết thơ rồi còn gì!
Và tự… khen.
Lớp Đệ Tam tuổi 16, tôi chuyển [không phải dịch] ca khúc “Ngậm ngùi” của Phạm Duy phổ thơ Huy Cận làm ca khúc tiếng Cham. Ở nhà chị Sỉ tại Phan Rang, một hôm hứng lên tôi hát cho anh Thiên Sanh Thống đồng hương, cùng lớp lớn hơn tôi 3 tuổi nghe.
Câu đầu: ‘Biêr harei laang pađiak trun daal’: Chiều trải nắng xuống nhẹ… Rồi: ‘Ram gloong angin yuk glai liphôi’: Núi cao gió thổi [làm] rừng mệt phờ…
Anh ta chạy ùa ra ngoài, cười như mẹ sống lại, la lên: Thằng Trạm làm thơ ôi làng xóm ôi. Ôi “rừng mệt phờ”, ôi “chiều trải nắng”… ôi bà con ôi…
Tôi giận điên người, la một tiếng: Ông ngu bỏ mẹ!
Sau nghĩ lại, thấy đứa ngu phải là mình. Từ đó, tôi làm thơ và giấu kín. Mãi vào làm việc tại Đại học Tổng hợp, 38 tuổi chuẩn bị ra tập Tháp nắng – tôi mới đưa thơ cho 1 giảng viên Văn [trình cao chớ bộ] đọc.
Bài “Ngụ ngôn của Đất”, đoạn đầu:
“Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm
có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?
nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó
dù chỉ còn dăm ba người
dù chỉ còn một người
hay ngay cả chẳng còn ai”
Đoạn cuối:
“Một ánh nhìn của cha
nửa nụ cười của mẹ
và hai bàn tay diệu vợi của em
giữa mênh mông màu nắng quê hương
hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa!”
Đọc xong, anh ngước lên nhìn tôi, hỏi: Phú Trạm chưa sửa phải không?
Từ đó, tôi thề không đọc thơ mình cho ai nghe nữa! Đi thuyết trình các nơi về thơ, tôi đọc thơ của ai khác, chớ không phải thơ mình.