Tinh thần “bất tranh” đã bàn, nay nói về món chịu thua.
1. Lặp lại xíu, tôi từng viết: Về ‘Akhar thrah’ “yut Đảo có tố chất thông minh ngôn ngữ số 1”; về văn chương “bộ tam: Trà Vigia số 1, sau đó là Trầm Ngọc Lan, Inrasara ở hàng 3. Là nói thật chớ không giả.”
Biết mình, tôi “trì trì ngô hành dã”, khiêm tốn học, và giú mình trong bóng tối vô danh, đợi mùa chín tới.
Đời là trường đấu tranh, không sai. Hỏi thế nào là thắng như là thắng? Ở một trận bóng, thua 2-3 bàn không là gì cả, vấn đề là thắng cả trận. Riêng tôi – với Cham, thua cả trận cũng chả sao. Dẫu cho có đúng tới đâu, tôi cũng cố thua, thua sớm càng tốt.
Biết chịu thua là đức tính cao vời nhất của tôi!
2. Về “đấu tranh”, tôi dạy các con 3 TUYỆT, nghe hay không tùy:
– Nếu có ai nói xấu cei, cả viết xấu về cei, tuyệt không méc lại. Ai nói nấy nghe, ai viết nấy đọc, không có gì trầm trọng cả.
– Giả dụ cei có “trao đổi” với Cham nào đó, tuyệt không vào bênh cei. Cei thừa lực để phản kháng hay chịu đựng, còn bênh chỉ tạo phe cánh, thêm ẹ.
– Tuyệt không đấu lí với người nữ. Nói như thi sĩ Nguyễn Đức Sơn: “Củi để chẻ/ Gái để xẻ” thì ác quá. “Phụ nhân nan hóa”, Khổng Tử bậc vạn tuế sư biểu còn chịu thua, huống là. Đa phần người nữ [Cham] nghĩ bằng cảm xúc, thế nên hay nhất – hoặc yêu thương và chấp nhận, hoặc bỏ đi.
Và 2 CẦN:
– Khi có vấn đề, hãy xét mình sai trước hết [cả nhờ người ngoài xét]. Nếu sai thì xin lỗi, sửa sai và im lặng; còn mình đã đúng thì kệ bên ấy nói gì nói. Có khờ mới cố làm cho đối phương thay đổi ý kiến về mình.
– Với người mình yêu hay kẻ còn có khả năng lắng nghe, thử ôn tồn “minh định”. Một, hai lần không được thì thôi, nói thêm vừa phí lời vừa mất bạn.
“Khi không thể yêu thương được nữa, hãy im lặng tha thứ mà bước qua” – Nietszche.
3. Bài học cụ thể
Tôi bị vài Cham chống, vài bất công đến nỗi Jaka lành tính cũng phải kêu: Cei phải viết gì chứ, khéo bà con hiểu sai cei. Tôi đùa: Ai ngu hiểu sai ráng chịu.
Từ Đài Loan về, tôi và bạn Inrawira “cãi nhau” về chữ, khi không anh A.K nhảy vào còm chưởi: Dốt thì học [dường đây lần 2 anh kêu tôi dốt], đến yut Quang Can phải can: Sao lại chưởi nhau nặng thế.
Tôi nói, có nặng gì đâu, vui mà. Và kể câu chuyện. Giáo sư HNH được cho là “giáo sư của giáo sư” luôn bị bà vợ la ngu, bạn đến nhà càng cơ hội tốt. Một hôm anh tiến sĩ lần đầu nghe thấy lạ, hỏi, ông nói: Thì hệt ta từng chưởi Mỹ ngu đó mà!
Họ nghĩ, nói, viết thôi mà, có mất gờ-ram mỡ nào đâu mà lấy làm điều.
Lớn như Trần Mạnh Hảo vu tôi nịnh bợ [mất uy tín về đạo đức], hay trước kia [về chánh trị] Lệ Thu tố tôi “ước mơ đảo ngược” hoặc mới đây Đông La méc TBT “Inrasara phản động” [là chuyện thời cũ bỏ tù nhau như chơi] cũng là chuyện nhỏ như con thỏ ấy.
Nhớ, và cho qua, chớ để bụng có mà đau… bao tử!