Bùi Giáng chê J-P. Sartre: Có 5 trái ổi, tôi ăn hết 7, còn bao nhiêu là câu hỏi triết gia cỡ Sartre không thể trả lời nổi. Nhà thơ là loài ưa nổ, hết nổ tới… “vu khống”, tức chuyện không nói có. Bùi Giáng, và tôi chả khác!
Nhớ, Lễ Tẩy trần tháng Tư ra lò, tôi mang tặng bạn văn Hà Văn Thùy nhà cạnh nhà. Anh viết một bài phê bình, chê nát: “Tháp nắng đang ngon lành vậy, sau 7 năm ông lại kéo thơ mình đi xuống tệ hại thế chứ.”
– Bà con Cham đón nhận nó thế nào? – Anh hỏi, không đợi tôi trả lời, mà thuyết…
– Tôi đi khắp bắc trung nam uống đủ loại rượu chưa thấy đâu “loài hổ mang biển” bao giờ… Chuyện không sao lại nói có!
Ý anh ám chỉ đoạn thơ trong bài “Khởi động của khởi động”:
“Trong khởi đầu khó nhọc này
chỉ có vẫy gọi khác lạ
hơn cả vẫy gọi của loài hổ mang biển
hoặc loài ma trơi nhiệt đới
hoặc oan hồn nhà tu khổ hạnh bị chối từ
mới mong một lần đánh thức linh hồn hoang hóa chúng ta”
Tôi đùa:
– Ông anh biết danh họa người Hoa nọ chuyên vẽ loài vật không thực chỉ có mặt trong văn chương chứ, vậy mà đã nổi tiếng khắp đấy? Sara mới có mỗi “hổ mang biển” thôi mà…
Ừa, thì vâng. Dường đa phần độc giả Cham chịu thơ ông Sara hay, phiền nỗi là không biết ổng nói gì.
“Sinh nhật cây xương rồng
có ngọn gió nồm reo đồi trọc
có loài côn trùng đùa bãi cát
có tháp Chàm giữa nắng đơn ca”
“Sinh nhật cây xương rồng” thì còn nghe được, chớ tháp Chàm biết hát bao giờ mà kêu là “giữa nắng đơn ca”?
Nữa…
“Làng tôi vừa dựng lên một ngọn đồi
làm nghĩa trang chôn xác chữ
ngày mai”
Có ai thấy dân làng Chakleng dựng đồi làm nghĩa trang chôn chữ ở đâu không? Chuyện không có sao nói thành có!
Trong khi nhà thơ Nông Quốc Chấn kêu mấy tập thơ Inrasara sau này “siêu thực quá” thì bạn thơ Nguyễn Đức Tùng lại “trách, cố nhiên nhưng rất nhẹ”: Sống giữa không gian văn hóa Champa ấy, lẽ ra thơ Inrasara phải “siêu thực nhiều hơn”.
Mấy dưới này, các bạn thơ xem nó ẩn dụ hay siêu thực nhỉ?
“Giàn lửa không thiêu hết tóc em trưa ấy
đêm nay nung sôi lồng ngực anh”
“Có người thơ tấp tểnh đi buôn
lận lưng ít nắng quê làm vốn”
“Ở một thành phố
da em thơm như niềm vắng mặt”
“Cây xương rồng như nhà sư khất thực theo vết chân gió trái mùa lang thang
lạc bước qua triền đồi quê tôi để chịu bị cầm tù trong cát”