Câu chuyện Cham-82. TÔN GIÁO NÀO CŨNG TỐT?-1

Tôn giáo nào cũng tốt, là câu nói tôi đụng thường xuyên. Như là lời đầu môi, hơn thế – như một chiêu bài. Nếu tôn giáo nào cũng tốt, thì hà cớ ông bà cứ mò vào cộng đồng tui mà truyền đạo ông bà, là sao? Tôn giáo tui cũng tốt mà!

Nói vậy mà có phải vậy đâu…

Để “nhìn rõ mặt nhau”, sinh linh hay sự thể nào đó cần được đưa lên bàn cân trụ trên ba chân kiềng: TƯ – suy nghĩ, NGÔN – lời nói và HÀNH – việc làm.

Chuyện kể.

Ông anh nọ theo Tin Lành, tôi tặng anh mấy tác phẩm trong đó có cuốn in ảnh tượng Vũ nữ Apsara và tượng thần Hạnh phúc. Rất tình cờ, tôi thấy anh cắt bỏ 1, 1 nữa bị dán che đi. Ô là là, cớ gì phải thế! Nó là công trình xưa của ông bà để lại, hơn thế: Apsara còn là một kiệt tác nghệ thuật.

Nhưng không. Anh chỉ nhìn thấy đó là hai con… quỷ. Chấm hết.

Chuyện khác. Sử thi Akayêt Um Mưrup. Hoàng tử Um Mưrup vừa tiếp nhận ánh sáng Islam, trở về cố quốc chống Champa. Chống hết, hủy hết!

SUY NGHĨ, chàng xem vua cha, bà mẹ cùng quan quân Champa như loài tiện dân.

NGÔN TỪ, chàng gọi họ là đồ ‘haruk haraam’ nhơ bẩn.

HÀNH ĐỘNG, chàng dẫn quân về chém giết lính vua cha không chút nương tay:

Nhu tak bôl gah amư yau ra jah

Darah đôic daup rong atheh mưtai yau ra pabbuuk

Chàng chém quân phía vua cha chết như rạ

Máu chảy ngập lưng ngựa, thây chất thành đống

Rồi là phá nát thành quách, đền tháp: “mưthuh tayah mưdhir gilang”, “jalơh kalan takaprah”, và cười ngạo nghễ trên chiến tích ấy.

Nghĩa là không chấp nhận sự khác biệt, hủy diệt sự khác biệt.

Cham ‘Ahiêr Awal’ thế nào? Mùa hè 1975, tôi mượn tập chép tay nhà anh Huỳnh Ngọc Trăng về chép. Cha ghé vào phòng nhìn thấy và hỏi:

– Klu chép gì thế?

– Các thi phẩm cổ, cei à.

Cha ghé xem, nói, giọng buồn buồn:

– Đừng chép cái ấy!

– Tại sao cei?

– Các cụ nói giữ trong nhà thì không sao nhưng chớ nên chép.

À, tôi hiểu ra rồi. Đó là Akayêt Um Mưrup, sử thi được cho là truyền đạo Islam vào Champa. Đọc nó như một tác phẩm nghệ thuật thì chả sao, còn chép tức là truyền giáo.

Tôn giáo Cham chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng công trình nghệ thuật, và đó chính là thái độ MỞ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *