Kẻ học hơn thua nhau ở dùng khoảng thời gian trống của đời mình.
Trung học, sau các giờ ngồi lớp và gạo bài lo thi cử, bạn làm gì? Tôi: Học võ, học ‘Akhar thrah’, đọc sách, lang thang palei Cham sưu tầm văn học… Công chức [soạn Từ điển ở Đại học chẳng hạn], ngoài 8 tiếng đồng hồ, bạn thế nào? Tôi: Bán thổ cẩm, làm thơ, viết bộ Văn học Cham. Vân vân.
Âm nhạc Cham là dự án tôi đã tiến hành sưu tập xong ở năm 1998, tiếc nó bị dang dở do không tìm ra người chuyên môn cộng tác. Băng dĩa các thứ hỏng hóc rồi hao mòn dần. Mà giấc mơ về công trình âm nhạc dân tộc mãi ám tôi không dứt. Gặp nhạc sĩ kiêm nhà thơ Lê Hưng Tiến là cơ may.
Mấy rày chúng tôi đi thực địa palei Cham sưu tầm dân ca Cham cho dự án đưa Dân ca Cham vào nhà trường do bạn thơ chủ trì. Chakleng, Bal Riya, Pabblap Birau, rồi Cang. Còn nữa…
Dân ca, đồng dao, tụng ca, ngâm thơ… bà con biết nhưng quên, tôi phải gợi ý và tập lại. Phân loại để tránh trùng lặp, tìm dị bản, đối chiếu so sánh.
Tại Chakleng, 5 anh chị em tôi tập hợp ngẫu hứng: Vạn Thị Thạng, Thuận Thị Trào, Bá Thị Kim Thoa, và vợ chồng Phú Minh Tuân, chỉ qua vài thao tác mà đã nên chuyện. Như thể chuyên nghiệp vậy.
Đồng dao Cham, vài thập niên qua hiếm có cha mẹ, ông bà nào dạy con cháu hát. May ở Pabblap Birau, ông Kiều Anh là cá biệt. Ông đã dạy cho hai cháu nhỏ được 3 bài khá vui.
Bal Riya và palei Cang Lương Tri thì khác…
Trong khi tôi là dân đúng giờ thì Tiến ngược lại, muôn năm đến trễ. Ở Cang Lương Tri thuộc huyện Ninh Sơn, hai tiếng đồng hồ đợi, thế mà hay. Đụng ai khác thì hết lẩm bẩm cằn nhằn đến vào ra như gà mắc đẻ ấy, tôi ngược lại: HỌC.
Tôi hỏi Mưdwơn Câu Văn Chát về lịch sử làng. Tạm tóm:
Ông sinh 1950, nhập “đạo” Mưdwơn năm 1973, là con Ông Mưdôn gru Câu Vàng, mất 1971.
Cang Lương Tri có hơn 800 hộ, khoảng 3.500 khẩu. Thời Pháp thuộc, Lương Tri là tên tổng gồm tất cả làng Cham ở phía Bắc sông Dinh: Phước Nhơn, An Nhơn, Bĩnh Nghĩa, Lương Tri và Thành Ý.
Dân Cang Lương Tri hiện nay tập hợp từ các nơi mang địa danh: Lương Cang, Ma Nương, Hamu Jarum, Cầu Ông Một và một số từ Bauh Bini họp lại sau 1954. Trong đó Cầu Ông Một nằm giữa Sông Cái và Quốc lộ lên Đà Lạt cách làng hiện nay 3km, là nơi dân Lương Tri cư trú lâu nhất: từ 1948-1954.
Hamu Jarum nằm về phía bắc cách làng hiện nay 6km chỉ tập hợp non một năm, sau đó do xung đột với dân An Nhơn nên dời về.
Năm 1960 palei mới có lớp Một và Hai, sau đó học sinh Lương Tri phải qua Đắc Nhơn theo học lớp Ba.
Không dừng ở đó, tôi hỏi ông về ‘Kadha Rineh Doh’ đồng dao Cham. Ông biết, nhiều nữa là khác. Tôi “hát” cho ông nghe 1-2 lần, gợi nhớ, để ông hát lại. Cuối cùng tôi cũng đã “sưu tầm” được 5 dị bản tôi đã có. Đăng lên đây một bài tiêu biểu:
Nguyễn Ngọc Đảo hát, đã in trong Văn học Dân gian Cham-2006
Kwik Kwak
Kwik đik cabbak – kuw lwak gilaung
Kwik hu kaung – kuw hu karah
Kwik hu brah – kuw hu padai
Kwik hu tappay – kuw hu lithuh
Kwih ngap puh – kuw pơh kwan
Kwih hu tơl – kuw jang libaih
Sang Kwik Kwik đih
Danauk kuw kuw padei.
Kwik – Kwak
Kwik leo cổng – tao chui rào
Kwik có còng – tao có nhẫn
Kwik có gạo – tao có tiền
Kwik có chồn – tao được thỏ
Kwik mở quán – tao làm dưa
Kwik dư thừa – tao cũng đủ
Nhà Kwik Kwik ngủ
Nhà tao tao ngơi.
Dị bản do Câu Văn Chát, sinh 1950, Lương Tri hát:
Kwik Kwak
Kwik điik cabbaak – kau lwak giloong
Kwik hu koong – kau hu karah
Kwik nao rah – kuw nao amiêng
Kwik hu ariêng – kau hu abao
Kwik điik ayun – kau điik cakông
Kwik hu ông – kau hu muuk
Kwik nao Kađuk – kau nao Kadang
Kwik ngak yaang – kau yoong akun