Tôi đọc đâu đó một nhà phê bình cho rằng với người đẹp, kẻ hùng ngòi bút Nguyễn Du chỉ ở tầm như bao nhà thơ khác: Ước lệ và rất trung bình. Ngược lại khi đụng tới nhân vật phản diện, ngôn ngữ thơ ông đạt đến đỉnh. Cứ xem ông phác họa chân dung Từ Hải qua đối sánh với cách ông vẽ Tú Bà cũng đủ thấy.
Cũng vậy, diễn tả cái tốt cùng mặt sáng của sự việc, Nguyễn Du vẫn cứ ước lệ [tiếng đàn Kiều là một], chớ lột tả cái xấu hay bề tối thì cực kì. Đọc thử qua hai đoạn trích:
[1] Tú Bà mắng đức ông chồng tay sai là Mã Giám Sinh, rồi quay sang nhạo nhiếc Kiều bằng lời lẽ đúng thể điệu kẻ phàm phu cai quản chốn lầu xanh:
“Bảo rằng: đi dạo lấy người
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn
Tuồng vô nghĩa ở bất nhân
Buồn mình trước đã tần mần thử chơi
Màu hồ đã mất đi rồi
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!
Con kia đã bán cho ta
Nhập gia phải cứ phép nhà ta đây
Lão kia có giở bài bây
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe
Cớ sao chịu tốt một bề
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!”
[2] Hoạn Thư thì khác, coi thằng chồng [Thúc Sinh] như con trẻ với lối hành xử trẻ con, tiếp đến là toan tính trả thù của kẻ cao tay đích thị con nhà:
“Từ nghe vườn mới thêm hoa
Miệng người đã lắm tin nhà thì không
Lửa tâm càng giập càng nồng
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa
Ví bằng thú thật cùng ta
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên
Dại chi chẳng giữ lấy nền
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình
Lại còn bưng bít giấu quanh
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
Tính rằng cách mặt khuất lời
Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho!
Lo gì việc ấy mà lo
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu…”