Cuộc trò câu chuyện đi mới nửa chặng đường, facebooker Nguyễn Tấn Hoàng đã nhắc: “Mấy tuần nay nhà thơ Inrasara tung chưởng Văn ghê quá!” nghe nhột chớ bộ. Có lẽ bạn mới đọc facebook Sara nên mới hô thế, chứ chuyện tung chưởng thì đã diễn ra từ 6-7 năm rồi.
“Câu chuyện thành công” chỉ là diễn biến tiếp của serie: “Hãy thử khiêm tốn một lần”, như là một cách nêu thêm vài bài học khiêm tốn ở cách thế khác để… thành công. Thử ôn tập:
Câu chuyện thành công-1. “Triết lí tiền lẻ”.
Cham nghèo là chân lí xưa nay rồi, vậy thì hãy liệu cơm gắp mắm, thế mà ta mỗi bận ra khỏi làng ‘nao ikak’ đi buôn là quyết thắng đậm, được rủng rỉnh thì tiêu xả láng, chết bỏ.
“Triết lí tiền lẻ” phải là bài học vỡ lòng.
Câu chuyện thành công-2. “Kiến tha lâu đầy tổ”.
Văn hóa Cham thất tán và vương vãi khắp nơi, từ từ góp nhặt chớ nóng vội hớt lớp váng mà làm bừa, hỏng là cái chắc. Người ngoài nghĩ trật về Cham đã đành, con cháu ta hiểu sai ông bà mới ớn. Ở đây tính chịu thương chịu khó phải đặt lên hàng đầu.
Câu chuyện thành công-3. “Tại sao tôi… khỏe thế?”
Trong gia đình nhỏ, tôi hiểu rõ mình phận “kiến”, yếu đuối và dễ tổn thương. Vậy muốn làm gì nên cơm cháo, cần có sức cái đã. Thế nên tôi không dám chơi phá sức với liều lĩnh dzô dzô như đa phần Chàm mình, mà trì trì tích lũy năng lượng, để chiến.
Câu chuyện thành công-4. “Tại sao tôi viết được nhiều đến thế?”
Có sức, có tiền rồi mới nhập cuộc chữ nghĩa. Mà muốn chơi môn này, đòi hỏi cực khiêm tốn, đi-nghe-hỏi-và học. Học Cham, học Việt Nam, và học… thế giới. Để không bị tụt hậu ‘lek eh’
Cuối cùng, câu chuyện thành công-5. “Đấu tranh, tại sao thất bại?”
Là thao tác ngoảnh lại kiểm điểm.
Chơi trường đao thế đủ rồi, giờ là xài đoản kiếm điểm huyệt vào tánh háo thắng, háo danh với kiêu hãnh hão của Cham [có cả ông Inrasara ở trỏng luôn].
Tôi đưa cả Ba trự thiếu khiêm tốn lên đoạn đầu đài, đó là: Không biết mình “mạng cùi Chàm”, Thiếu thực tế, và Không chịu học.
Đến đây là hết phim rồi!