Hoạn nạn là bạn ở suốt đời với con người, dường là lời Mạnh Tử.
Hoạn nạn ở phạm vi cá nhân, cộng đồng, quốc gia cho đến thế giới. Lớn, nhỡ hay bé. Điều đáng nói là con người đánh giá nó thế nào, và đối phó với nó ra sao.
Hoạn nạn, lớn nhất vẫn là chiến tranh và dịch bệnh. Liên miên, bất tận không thời đại nào chịu nghỉ xả hơi. Cho đến khi trái đất này thành hoang mạc, hay bị nổ tung. Trong khi nhân loại muôn đời vẫn ngu. Tham sân si đáp trả lại tham sân si.
Thông minh, từ bi và đầy thiện chí kiểu Krishna (xem đối thoại Krishna và Arjuna tại chiến trường Kurukshetra ngay trước khi trận chiến bùng nổ, Bhagavad Gita) để rốt cùng Ấn Độ chịu thiệt. Thiệt cho tới hôm nay.
Tôi cứ tưởng tượng, nếu loài người bị một loài nào khác ngoài hành tinh này tấn công, họ sẽ làm gì? Có chịu một lòng một dạ hiệp sức chống lại, để cứu trái đất?
Tâm ích kỉ vẫn cứ thao túng hành vi con người, dẫu trong đại họa.
Việt Nam, không đâu xa, nhìn vào thời cận đại thôi – bởi có đủ chứng cứ…
Xin cho chuyện đúng sai vào ngoặc, để thu giang san về cho mình, Chúa Nguyễn hết cầu viện quân Xiêm đến quân Pháp vào để giập nhà Tây Sơn.
Chiến tranh 20 năm, cả hai bên xài súng ống, tiền bạc từ hai phía đế quốc đối nghịch biến đất nước hình chữ S thành phòng thí nghiệm của đủ loại, từ vũ khí cho đến ý thức hệ.
Thống nhất, giặc Tàu đã vào tận cửa – chưa bàn chuyện đúng sai – hai phe thắng và thua sau non nửa thế kỉ kèn cựa, vẫn chưa thể ngồi lại để tìm cách đối phó với hoạn nạn nhỡn tiền.
Cũng tại tham sân si mà ra.
Cham – không lạ, dù chỉ là các chuyện kể thiếu bằng chứng…
Sau thời Pô Rômê, khi bị Việt tấn công làng [hay khu vực] Cham Bà-ni, phía Cham Bà-la-môn án binh bất động, và ngược lại. Cho đến khi cả hai cùng ‘brai rai’ toàn bộ. ‘Brai rai’ đến tận hôm nay.
Bài học thế kỉ XIV của một Pô Bin Thôr Chế Bồng Nga uy dũng, đã tự mình và thuyết phục hai bên chấp nhận kiêng cữ cả thịt heo lẫn thịt bò, cùng chung sức – qua đó đi hết chiến thắng này đến chiến thắng kia;
hay bài học thế kỉ XVII của một Pô Rômê anh minh và thao lược, đã hóa giải Islam thành Bà-ni, hòa giải Bà-ni với Bà-la-môn, dựng nên Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ hòa ái và trí tuệ, để tìm phương sách đối phó mới;
Thời hậu-Pô Rômê, Cham không tìm ra một nhân vật khả dĩ, hậu quả Cham lãnh đủ. Còn hôm nay, Cham rút ra được bài học gì?
Thế giới nữa, trước Đại dịch Covid-19?