TÔI – SINH LINH VÔ SỞ TRÚ [Tự truyện Inrasara]

[Bạn chí cốt, Cà-phê & Con của loài người không có đất gối đầu]

Trích “Tự truyện” viết thuở Covid-19 thời kì đầu hầu bà con và bạn FB. Câu trong ngoặc vuông […] là mới thêm vào. Karun!

Tôi được cho là một “nghe si lon”, nhưng nề nếp khoa học thì miễn chê.

*

VÔ SỞ TRÚ

Năm Gà đói khát, 9 tháng thai kì suy dinh dưỡng, mẹ sinh tôi khó. Mẹ nằm lửa cả tháng, tôi thì chưa có tên, bà Lộc vú nuôi tạm gọi Klạm. Ông anh kế là Đạm, thằng em Klạm thì phải rồi. Thế là khai sinh tôi Phú Trạm. Cái tên ngẫu nhĩ này vận vào đời tôi không dứt được.

Từ tuổi tìm học lang thang đã đành, vào Sài Gòn tôi tiếp tục di dời hơn mươi nhà thuê khác nhau ở quận khác nhau, đến khi có nhà riêng vẫn cứ nhà thuê mà ở. Mãi tuổi “hưu”. Tôi cận lục thập tình đường lùi. Hơn tôi 9 tuổi, bà xã lại khác – mãi cắm cúi làm. Tôi nói:

– Chơi đi mẹ nó ơi, theo anh đi chơi, có làm thì làm chơi thôi.

Bả càng làm hăng, 10-12 tiếng một ngày. Như con bệnh. Tôi thành kẻ cô đơn không nơi nương tựa.

Bỗng tôi nẩy ra thứ ‘mát’ khác lạ trần đời, tìm bà nào đó thật rảnh thân mà ráp vào. U60 như tôi, thôi nhu cầu chồng vợ. Đến với nhau không làm gì cả. Cơm nước, rong chơi, tâm sự chuyện cũ, ngắm mây gió, chăm sóc chuyện cộng đồng. Cho nhẹ nhõm đời.

Nghĩ là làm. Mang luận văn Thạc sĩ của Bá Minh Truyền khảo về Trường TH Pô-Klong ra tra cứu, chẩm tọa độ quy hoạch, điều tra… để rồi chả tới đâu. Không có “nàng” nào rảnh thân cả! Plein d’affaires, không thế này cũng kiểu kia.

Lạ, nhân loại sao cứ lo làm, mà chẳng chịu ngơi!

Mùa Hè 2012 tôi lên chương trình qui hồi cố hương. Đang hưng phấn với giấc mơ chưa tới thì Jaka từ Nhật về tranh thủ dzọt trước. Ừ thì về. Bốn sào đất rẫy biệt lập khỏi sinh hoạt làng xóm đựng hai cha con cá biệt còn rộng chán. Dẫu gì cũng có nơi trụ.

Nhưng không. 

2014, Thang Tông tạm xong, khách Jaka toàn các bạn trẻ quen biết, trong khi họ lai rai còn tôi: Cuốc, viết, suy tư về hữu thể hẳn không ổn rồi. Nữa, khách tôi đủ thành phần lứa tuổi giới tính, vào và ra và vào. Tôi đành nhìn về hướng khác.

Cơ ngơi chị Mận ở Padra, rộng, thoáng mát, cơm nước có người lo, ngặt nỗi hơn mẫu đất kín cổng cao tường, mà tôi muôn đời “là chốn tha hồ muôn khách đến”. Chưa kể chuyện an ninh địa phương hứng lên là ghé thăm bà chị.

Tantu vừa dựng nhà mới trên mảnh đất rộng quãng đường Phan Rang vào Thành Tín, gợi ý anh Sara qua em đi, thoải mái lắm. Ghé, không gian và cách bố trí phòng ốc thú vị hết biết, 10% nữa là ông anh trụ được.

Lại đi, tạm trú nhà cháu. Dẫu ngon lành, và nhà như nhà mình nhưng không là chốn lí tưởng cho tôi “đi tìm sinh lộ cho Cham ‘Ahiêr Awal’”.

Con của loài người không có đất gồi đầu – câu Phúc Âm mãi ám.   

Gối đầu như là gối đầu.

BẠN HỮU LÀ ĐẤT TẠM DUNG

Tôi may mắn có được nhiều bạn chí cốt. Không cầu tri âm tri kỉ chi chi, chí cốt thôi – cũng đủ. Ngoài vài bạn cùng palei, họ là anh Huỳnh Ngọc Trăng, anh Hàm Bộ, yut Quang Cẩn, Lưu Văn Đảo, Bá Đại Truyền, Hứa Ngọc Cát, anh Ysa Cosiem. Thủy chung như nhất, đầu tiên và cuối cùng. Tất cả họ chưa từng nói xấu tôi sau lưng đã đành, luôn bênh vực tôi như Imưm Đạo Văn Tý, bảo vệ tôi như anh Ve, sẵn sàng chết vì tôi như Báo Mang Xoài, thậm chí coi tôi như tình nhân như Chế Đạt.

“Kẻ khen ta mà khen phải là bạn ta, chê ta mà chê phải là bạn ta…” – Mạnh Tử nói thế. Nhìn góc độ này, Trượng Ngạt còn hơn là người bạn. Không kiểu xưng “đại ca” Sara như một bạn từng chơi bừa thế!

Bạn chí cốt – dù mấy bận nổi mát lên, tôi có bao hành xử cá biệt khiến yut buồn lòng, họ vẫn bỏ qua cho tôi. Như thuở sinh viên, các bạn Trượng Ngạt, Lưu Văn Đảo, Quảng Cẩn với trái tim nóng hiếm có, khum lưng đạp xe khắp Sài Gòn từ nhà này sang nhà khác mang chữ mẹ đẻ đến cho sinh linh Cham xa quê nhà, tôi lại tuyên bố to con không “dạy” ‘Akhar thrah’ cho bất kì ai nữa. Đủ rồi!

14 tuổi tôi đã dạy chữa mẹ đẻ cho vài bạn học Pô-Klong. Sau 30-4, 18 tuổi tôi cùng vài bạn học mở khóa tiếng Cham đầu tiên cho ba lớp thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi ở Chakleng. 1976, vào lớp 12 Trường Nguyễn Trãi – Phan Rang, tôi mở vài khóa cho Cham trong thị xã. Sau này làm việc tại Đại học, tôi còn dạy hai khóa cho sinh viên ngoài Cham: Nhật, Nga, Việt… nữa!

Đủ rồi!

Cái bệnh của thiên hạ là thích làm thầy đời [thầy của đời] – Mạnh Tử.

Tôi – KHÔNG LÀM THẦY AI CẢ! Với giới văn chương, tôi cũng vài bận tuyên to thế. [Vậy mà mới đây, một đầu xanh tuổi trẻ hô “từng dạy Akhar thrah cho cei Sara”, đích thị siêu bừa.]

Trở lại chuyện bằng hữu…

Thuở làm lang thang, họ là đất cho tôi gối đầu để qua đi tháng ngày cô độc.

Tôi xem nhà bạn không khác nhà cha mẹ tôi. Là Đảo thuở sinh viên Sài Gòn. Nhất là Cát gia đình nghèo con đông, tôi ghé ăn ở hệt người nhà. Cộng lại gần nửa đời người bằnghành con số ba tháng hay nửa năm không biết nữa.

Rồi họ dần bỏ tôi đi mất. Anh Hàm Bộ, rồi Xoài, rồi Đảo, rồi anh Ve. Cẩn thì ở nửa bên kia trái đất. Ngạt, Đạt đang đất Sài Gòn mà như vạn dặm xa.

Bạn bè dăm đứa hắt hiu cuối trời – Hoài Khanh.

Cả những người bạn vong niên, họ đâu cả rồi? Những Châu Văn Mỗ, Đàng Năng Quạ… để dư mỗi tôi với thầy Nguyễn Văn Tỷ riêng một góc trời.

CÀ-PHÊ VÀ CHỐN SỞ TRÚ

Nhà văn Lê Thị Thấm Vân viết một tút ngắn với cái tít khiến tôi giật mình thột: “Nếu đời thiếu vắng các quán cà-phê!” Ừ, nếu thiếu món này, thì sao? Đâu là nơi cho linh hồn cô độc tìm đến ẩn trú?

Lần đầu tiên tôi cà-phê, cũng là lần đầu tiên trong đời tôi thức trắng. Năm đó tôi lớp Đệ Tam Trường Pô-Klong, chiều thứ Bảy, anh Quảng Vờ sinh viên Đà Lạt xuống, ghé kí túc xá.

– Đi bát phố với anh, Trạm – anh kéo tôi đi.

Vào Cỏ Hồng, quán cà-phê nổi tiếng Phan Rang thuở ấy. Anh kêu cà-phê sữa đá cho tôi, anh – cái đen. Và anh bắt đầu mở máy. Về cuộc tình thơ mộng của anh, với bao giấc mơ về một tương lai xán lạn. Nhạc ồn, anh lại hạ giọng trầm, tôi nghe tiếng được tiếng mất, vẫn hiểu đại ý ông anh họ.

30-4, anh vỡ mộng du học, vỡ cả mộng tình đẹp. Anh đóng cửa cô độc, xa cách với tất cả, ngoại trừ tôi. Với cà-phê “rau muống”, loài cà-phê sau 30-4. Rồi chưa đầy năm sau, bệnh tưởng ngày càng nặng, anh cấm cửa cả tôi.

[Anh là sinh linh gợi ý tôi làm nên một nhân vật đặc kì trong Chân dung Cát.]

Tôi thôi cà-phê từ ngày ấy, mãi đến khi mở quán tạp hóa Haly’s tại đầu palei Chakleng Tết 1991. Tôi cà-phê và gói Jet, để tiếp khách.

Thói tật của tôi từ ấy: 5g sáng là cà-phê. Không có không được. Một cữ mỗi ngày, đều đặn. Thi thoảng có phá lệ, nhưng rất hiếm. Sài Gòn 9g Cà-phê Bông Giấy với cánh văn nghệ, còn Chakleng 6:30g Cà-phê Tánh cùng anh em bàn việc làng.

Từ năm 2012, tôi 10 ngày Sài Gòn, 10 ngày quê, còn lại là tỉnh thành khác hay và nước ngoài. Nhà chị Mận palei Padra hay nhà em vợ tại Chakleng, cà-phê luôn có mặt trước bàn tôi 5g sáng.

Về, tôi lang thang và tạm trú nhiều palei, trong đó có Pabblap Birau.

Phước Nhơn, tôi trú nhà thầy Nguyễn Văn Tỷ, Imưm Đạo Văn Tý, và Homestay Kiều Maily. Ba nhà cạnh nhau rất tiện. Riêng thầy Tỷ dậy muộn, đầu hôm luôn chuẩn bị trước phích nước nóng. 3:30 tôi thức, viết, và cà-phê một mình.

Tôi được cho là một “nghe si lon”, nhưng nề nếp khoa học thì miễn chê.

Thuở còn đại gia, tôi chơi chả kém cạnh tay anh chị nào, mươi năm qua thì khác. Tôi hiếm khi mời ai cà-phê, trừ ngoài ngoại lệ, còn lại rai bù khú, ai hú tôi nấy chịu.

[Sáng hôm qua, 14-8-2020 một bạn trẻ viết: “Sáng nào cei cũng gọi Kamuen đi coffee tâm sự”, ai biết ít nhiều lịch sinh hoạt của tôi đều hiểu: nói bừa. 5g sáng – thầy Tỷ, Imưm Tý và cha KM, có ai từng mở cửa cho đằng ấy vào cà-phê không? Tất cả họ còn sống, cứ phon hỏi là rõ ngay!]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *