[từ Tây sang Đông đến Cham]
Tây.
Vị giáo sư nọ lên đò sang làng bên thăm bạn. Chuyến đò có mỗi ông với chú lái đò. Để giải khuây, và để thể hiện nỗi bác học “gì cũng biết” của mình, ông rủ chú lái đò chơi trò đố, tỉ lệ cược 100 ăn 15. Đồng ý, vị giáo sư nhường cho chú lái đò trước. Ừ thì đố:
– Mình đang đi trên mặt nước, theo ngài làm cách nào ném một tảng đá hai tạ xuống sông mà nó vẫn nổi?
Vị giáo sư nghĩ hồi lâu không ra, đành chịu.
– Vậy mà kêu gì cũng biết. Ngài nợ tui 100 đô nghen!
– Vậy chớ theo cậu thì làm cách nào?
– Tui cũng có biết đâu!
Chú lái đò trả lời tỉnh bơ, rồi tiếp:
– Tui thua, vậy là trừ 15, ngài đưa cho tui 85 đô đi.
Đông.
Kì thủ cờ tướng nức tiếng nước Tàu đưa tin thách cả thiên hạ, ai thắng, ông chịu mất con tuấn mã. Một sáng nọ có thư sinh đi ngựa tạt qua.
Vào cuộc chưa quá mươi nước, chàng thư sinh thua, và vui vẻ để lại ngựa, tản bộ vào phố.
– Tôi sẽ thắng ông sau ba ngày nữa, – chàng nói, trước khi giã từ.
Đúng ba hôm sau chàng trở lại, và thắng chóng vánh, trước con mắt ngỡ ngàng của mọi người.
– Cảm ơn ông đã giúp tôi chăn ngựa ba ngày, – chàng nói, đủng đỉnh lên ngựa, dắt theo con tuấn mã của đại kì thủ.
Cham.
Kể rằng chàng nghiên cứu nọ tài giỏi đến mức đã viết là không thể sai. Chàng ra sách, thách mọi mọi kẻ kẻ dưới gầm trời, ai bắt được 1 lỗi là chịu chung 1 chầu bia.
Thế rồi, tay thi sĩ đầu xanh tuổi trẻ nọ chơi cắc cớ, mới qua vài trang đầu đã mò ra 7 lỗi!
Còn cậu thi sĩ ấy có được chầu nào giải khát chưa thì chuyện không kể!