[hay: Tôi học, hỏi, đánh cắp các mánh vặt]
Nhác thấy cái tít này, chắc chắn hai bạn học cũ của tôi Hoa Fatimah, Thập Liên Trường kêu “ông Inrasara lại khoe khoang”, và bỏ đi ngay thôi. May, đại đa số sinh linh Cham ở lại tò mò xem Sara sắp diễn trò gì.
Tôi vài lần viết đâu đó, ai [kể cả thi sĩ NHHM] không đọc FB Sara thiệt thòi rán chịu. Và đây…
Làm thế nào tôi giỏi đến thế? – Đơn giản lắm, bởi tôi biết QUAN SÁT, chịu khó HỌC, chịu khó HỎI. Từ người nổi tiếng đến kẻ vô danh, học ở điều tưởng vụn vặt nhất. Học, và ứng dụng triệt để.
HỌC
Tôi học ở Nguyễn Hiến Lê về vụ cái gì cũng ghi ra giấy. Chớ ỷ y vào trí nhớ. Kí tính tốt nhất không bằng nét mực mờ nhất.
Ghi, tôi học ở Chế Lan Viên là luôn thủ sẵn cây viết với tờ giấy nhỏ trong túi áo trên. Cầm cuốn sổ ghi thì long trọng quá, chỉ cần tờ giấy trắng xếp gọn bỏ túi là ổn. Ghi tất tần tật điều cần làm trong ngày: Ý mới, tứ thơ hay kiến thức điền dã vừa nghe được. Cái nào xong thì đánh dấu, chuyện chưa thì ghi qua tờ khác dùng cho hôm sau.
Ở Xuân Diệu, tôi học chuyện mắc áo. Đi đâu về, cởi áo, tìm đến cái mắc áo treo luôn, chớ không vất đâu đó để mất công và mất giờ làm lại.
Bị Amidal hành mấy năm liền, vài bận tính đi cắt, tình ngờ gặp Ly Đợi được bạn thơ bày: Anh cứ xài muối hột. Tôi chợt nhớ cô em họ Lâm Nữ Minh có lần bảo “muối hạt là thứ thuốc thần”. Tôi nghe lời bạn thơ, thế là xong phim.
Tôi còn học ở Lý Đợi cách ứng xử với nhóm văn nghệ nữa. Làm sao Mở Miệng không tan rã khi mạnh ai nấy cá tính? Từ đó tôi vận dụng qua Tagalau, và đặc san sống.
Ngay Jaka Năng Tuệ Phú con tôi, tôi cũng học được từ.
Đi Nhật về, Jaka tách rác làm ba loại: Giấy và bịt ni-lông dành bán cho dân ve chai tái chế, loại rác ủ làm phân xanh tưới vườn rau sân thượng, còn lại mới là thứ đổ đi.
Không biết ở quê nhà Jaka có tiếp tục không, riêng tôi từ 6 năm qua – tôi làm, triệt để!
HỌC TỪ CÁI SAI KẺ KHÁC
Nhớ có bận Nguyen Tiến Văn la một bạn trẻ: Ông không biết tiếng Việt à? Sao không nói “đặt” vé, mà phải “book” mới được? không là “đăng” mà “post” bài, vân vân. Từ đó, tôi ghi nhớ và tránh tối đa.
Hổi nhỏ mẹ hay la chị Hám, mi mà không tập ngồi thẳng lưng, về già mi “khòm” rán chịu. Tôi học mẹ về “cái lưng” chị Hám.
HỌC BẰNG ĐÁNH CẮP Ý
Hồi Đệ Tứ, trong giờ giảng văn, thầy Phụng nói Cham phải có nền văn học chứ, sao chưa thấy ai viết về văn học dân tộc mình nhỉ. Thầy nói khơi khơi vậy thôi, không ai chú ý. Mỗi thằng tôi! Năm kia tôi và bạn Nguyễn Thị Quý ghé thăm thầy, nhắc kỉ niệm cũ, thầy không còn nhớ nữa là.
HỌC BẰNG HỎI…
Khổng Tử biết rồi vẫn cứ hỏi. Học trò thắc mắc, Ngài trả lời: đó chính là Lễ. Ngôn từ hiện đại là “phép lịch sự”. Tôi thì khác.
Gặp cụ Thiên Sanh Cảnh hay bất kì sinh linh Cham nào, tôi hỏi là chính. Hỏi, và chỉ có hỏi để… học.
Kết.
Đọc cả bài có thấy ông Sara giỏi chỗ nào đâu.
Đích thị! Phật thuyết “ông Sara giỏi” tức phi “ông Sara giỏi” thị danh “ông Sara giỏi”.