Giải khuây cuối tuần. BAO GIỜ TA HỌC ĐƯỢC SỰ CÔNG MINH, CÔNG CHÍNH

[hay: Văn hóa kí khống, và…]

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” – Kiều.

Tôi tin cái cầu này không ai cầm tiền công mà chưa từng qua: KÍ KHỐNG.

1. Từ chuyện tiền công

Hội thảo, hội nghị hay làm chung dự án nào đó, người của ban tổ chức mang danh sách lĩnh tiền đến chìa ra trước mặt ta: 1- Stt – 2. Họ và tên – 3. Địa chỉ – 4. Số tiền – 5. Kí nhận.

Ba ô trước ghi đủ đầy, hai ô sau bỏ trống, ta kí vào ô 5, nhận tiền, và chuyền tờ giấy cho người bên cạnh. Không biết con số bao nhiêu, ta cứ kí, kí để nhận bao thư.

Một, hai lần đầu ta còn nhăn trán, riết thành quen. Quen rồi lờn đi. Và ta lập nên truyền thống văn hóa mới: Văn hóa kí khống.

Một bận ở tỉnh nọ, sau buổi nói chuyện, tôi kí biên nhận, số tiền: 5.000.000đ (Năm triệu). Tiếp tới, tôi được thò ra một bản danh sách khác, với ô [4] và [5] bỏ trống. Tôi bảo ghi con số vào ô [4], cô kế toán mở tròn mắt kinh ngạc. Lần đầu tiên trong đời, chắc thế.

Cô cầu cứu thủ trưởng nhỏ, rồi thủ trưởng lớn giải thích cho tôi “hiểu”:

– Cho các em nó bồi dưỡng thôi anh.

– Tôi cần biết con số tiền tôi kí nhận, còn nhận thực bao nhiêu thì miễn.

Cuối cùng, sau khi xin xong 40 chữ kí, mục Inrasara, cô ta ghi: 2.000.000đ. Tôi kí vào, mở cái ngoặc (Hai triệu đồng chẵn), và cầm lấy 500k! Cùng năm, tại Hà Nội, tôi đụng thêm tệ cảnh tương tự, và tôi cũng hành xử hệt.

Hai vụ khiến tôi trở thành người nổi tiếng, đến đỗi hai chốn ấy không mời ông Inrasara dự bất kì cuộc nào nữa.

2. Cá nhân

Năm 2015, anh chủ một Resort ở Mũi Né trưa nắng đi xe qua gặp tôi lúc đó thủ Thang Tông Jaka Năng Tuệ Phú, nhờ soạn kịch bản cho chương trình văn nghệ Cham. Chỗ quen biết, không chần chừ, tôi viết rồi gửi đi. Không thấy trả lời, tôi nhắc, vẫn im re.

Tết năm nay, anh ta phone cho tôi, nhờ tôi ghi ý nghĩa các nhạc cụ Cham. Tôi nói:

– Mình vẫn đang đợi email của bạn từ 5 năm qua mà!

(Chuyện khá giống một ngụ ngôn Thiền) .

Vụ nữ nghiên cứu năm ngoái, tôi kể rồi, xin tóm:

Từ Hà Nội bay vào Phan Rang gặp tôi hiệp thương làm chương Phồn thực Cham cho công trình mình. Chưa bàn cụ thể, cô vội xin tôi số tài khoản để chuyển tiền ngay khi về tới thủ đô. Tôi kêu huỡn đã.

Hai ngày sau tôi gửi đề cương. Thời gian: 1 tuần, chi phí: 30 triệu, thành phẩm: 50 trang. Thư gửi đi, ngày qua tháng qua không một âm vọng.

Vụ này hệt nỗi sau…

Nhân vật Cham nọ gợi ý tôi viết tiểu thuyết về ông. Ở đó tôi sắm vai nhà văn ma. Sẵn tư liệu, tôi ừ. Khi ấy tôi đang bận việc ở Cambodia, ông rất hào hứng hẹn tôi khi nào về Việt Nam bàn cụ thể. Tôi làm đề cương, hỏi ý kiến ba bạn trẻ trước xem có đặng không. Jaka: Được đó, cei. Hai bạn khác: Cei Sara động bút thì thù lao phải gấp hai lần thế chứ. Tôi chọn ý Jaka, và gửi cho ông.

Ông im như thóc.

Cả hai, sao không thể gặp mặt để bàn công khai. Hay ít ra cũng email cho tôi biết nguyên do chứ!

3. Phim tư liệu về tôi thì nhiều.

Với bạn văn thân quen thì miễn, còn lại tôi yêu cầu: 1. Đón đưa, 2. Đọc kịch bản trước, 3. Khoản “nhuận bút” dù nhiều, ít hay không cũng cần cho tôi biết.

Gần như 100% đối tác ngạc nhiên. Hỏi, họ trả lời: Chưa có nhà văn nào yêu cầu kiểu ấy. Tôi nói, đó là việc của họ, riêng tôi, cần sòng phẳng để không phải nói này nọ sau lưng.

Tại sao không thể làm một cách công khai cơ chứ?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *