Nỗi sợ làm nên văn hóa nhân loại, ai nói thế? Sợ khiến người ta kiêng kị, nói tránh, nói ám chỉ, và sáng tạo cả đống tiếu lâm chính trị.
Cham kiêng kị nhiều thứ…
Cổng Kut mở ra hướng bắc, cổng tháp đa phần mở hướng mặt trời mọc; riêng cổng nhà phải là hướng nam, còn cửa nhà thì có thể mở cả ba hướng ngoại trừ hướng bắc;
Trải chiếu theo hướng đông-tây, chừa hướng nam-bắc cho người chết; còn trải ‘ciêw baang’ (chiếu cói) để cúng, thì: ‘Pô pađaang Yang pagrwak’ (Cúng Pô thì trải ngửa, cúng thần thì trải úp). Từ cách trải chiếu sang chuyện nằm, sinh linh Cham nằm ngủ hướng đầu cấm quay về tây hay nam, hai hướng còn lại tùy thích;
Rót rượu bia, cô phục vụ nào lỡ rót trái tay, đố Cham có văn hóa nào dám uống, bởi rót kiểu đó dành cho kẻ thế giới bên kia rồi. Vân vân…
Càng “văn minh” càng sanh lắm kiêng kị.
Cham Ahiêr (Bà-la-môn) kiêng thịt bò, Cham Awal (Bà-ni) kiêng thịt heo, và giông; tín đồ thì vậy, chớ chức sắc tôn giáo còn kiêng nhiều thứ nữa;
Kiêng để tạ ơn, kiêng do nể vì, như kiêng gọi tên cúng cơm người lớn tuổi;
Kiêng dẫn đến nói tránh, như không gọi đích danh tên trái cây nào đó mà ông cố, bà cố “lỡ” mang tên đó. Ví dụ trái mít kêu thành trái ù, do ông cố nội có tên Mít;
Lạ, Cham lại không kiêng tên vua như trong văn hóa Việt kị húy cả ngàn từ, từ tên vua cho tận tên cố nội vua [rất chán], Cham réo tên Pô Rômê thoải mái để răn dạy con cái.
Cham khi muốn giấu chuyện gì đó với trẻ con hay Pô Yang thì xài tiếng Việt, làm như Pô Yang Cham không biết ngoại ngữ vậy!
Lên núi tìm trầm, người Việt “ngậm ngải”, chớ Cham thì sáng tạo cả khối từ dùng để mật báo với nhau. Từ điển Aymonier ghi nhận cả trăm từ thuộc khu vực này, mà ông gọi là langue mystère.