Tôi ‘ngak’ xã hội-4. ĐỐI THOẠI & ĐỐI THOẠI ĐIỆN HẠT NHÂN

Hoelderlin: “Từ khi chúng ta là một hội thoại, và có thể nghe ra nhau”.

Sinh linh yếu đuối hay người làm chính trị tìm sự ĐỒNG Ý; tìm sự đồng ý, vì thiếu tự tin cần chỗ dựa, còn với dân chính trị là để tạo phe phái. Kẻ suy tư, ngược lại – tìm ĐỐI THOẠI. Đối thoại, song thoại, tương thoại là tìm sự hiểu biết, để thông giao tha nhân.

Việt Nam, tôi có 3-4 người có thể đối thoại, tiếc là họ thuộc thế hệ hơi trước tôi, và do khác môi trường sinh hoạt, nên ít khi có dịp trao đổi. Hiếm, nhưng với họ, tôi luôn có được cuộc đấu tranh trên những đỉnh cao. Ở cộng đồng Cham thì chưa, hoặc không.

1. Ba người “bạn” ứng xử với vụ Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, là rất tiêu biểu.

Thầy Nguyễn Văn Tỷ không hay biết gì về Dự án này, vì tôi không cho hay. Thầy chỉ biết khi sắp xong cuộc. Jaya Hamu Tanran đồng ý, nhưng không vào cuộc với tôi.

Trà Vigia hơi khác. Trước tiên tôi mời người của Dự án đến gặp [có nữ thạc sĩ đi cùng] mang theo thùng Ken qua nhà anh. Tiếp, giới thiệu một giáo sư Mỹ gốc Việt phản đối Dự án về Phan Rang. Vị này mời vợ chồng anh và ông bà thầy Tỷ qua cơm chiều, hàn huyên. Cuối cùng, là luật sư Nhật có thông dịch viên qua thăm Trà Vigia.

Nghĩa là từ ba chiều nhìn và tâm thế khác nhau. Để rồi cả ba sau đó đến gặp tôi, và… lắc đầu. Trà Vigia không thuộc típ người đối thoại. Về Điện hạt nhân, Trà Vigia có 2 bài viết đăng web Inrasara.com, bên cạnh nhờ tôi kí vào Kháng thư hộ. Thế thôi, chấm hết.

2. Tôi thì khác, tôi chủ động tìm đối thoại rộng khắp.

Trước tiên, tôi mở 2 cuộc thảo luận trên trang nhà: “Người Cham hiều gì về Điện hạt nhân?”, “Trí thức Cham nghĩ gì về Điện hạt nhân?”;

Viết và trả lời phỏng vấn khoảng 20 bài đăng báo, web trong và ngoài nước;

Viết một tiểu thuyết và 7 bài thơ về Điện hạt nhân;

Dẫn hơn mươi đoàn khách đến khu vực Dự án “tham quan”, sau đó qua gặp bà con và chức sắc tôn giáo Cham trao đổi;

Tôi còn có mươi cuộc thuyết trình về Điện hạt nhân tại các Đại học và hội đoàn ở Nhật, Đài Loan;

Kí tên vào Kháng thư;

Và sau cùng, tôi gom tất cả chúng lại làm thành “Hồ sơ Dự án Nhà máy Điện hạt nhân” 500 trang A4.

3. Để làm gì?

Để hiểu biết, và đối thoại.

Để Cham, Việt Nam và thế giới biết: Cham là dân bản địa, sống ở đây hơn 2.000 năm; có đến nửa dân Cham đang sinh sống ở Ninh Thuận; và hơn 100 di tích văn hóa – tín ngưỡng Cham nằm trong vùng ảnh hưởng.

Từ đó, đối thoại. Chứ không phải “lãnh đạo cộng đồng Cham đấu tranh” như leaflet được in và phát ở Nhật (khi biết tôi kêu, ban tổ chức thu hồi số tồn để chính lại).

Như tôi đã có “32 Đối thoại Fukushima” sau một tuần ở đó (20 bài đã đăng), ở đa số cuộc, tôi đến với tinh thần đối thoại.

“Từ khi chúng ta là một hội thoại, và có thể nghe ra nhau”. Muốn đối thoại hiệu quả, thì hai bên phải cùng đẳng cấp, hay ít ra một bên CHỊU NGHE và biết nghe [chứ không phải nghe THEO] để có thể “nghe ra nhau”.

Sau các tút “tự truyện”, vài bạn FB còm “Sara cần có hậu duệ”. Không sai.

Thầy cần tìm ra học trò, chứ không phải trò tìm thầy học, như lâu nay thiên hạ nghĩ. Đến nay tôi chưa có học trò, nói chi hậu duệ.

Chuyện kể, Hegel nổi tiếng triết gia khó hiểu, tuy thế ông có rất nhiều sinh viên tự nhận đồ đệ của ông. Sắp lâm chung, họ đến viếng, ông thều thào: “Chỉ có một người… hiểu tôi”. Mọi người trờ đến sát hơn để nghe cho được tên ai là kẻ duy nhất đó. Ông tiếp: “nhưng hắn đã hiểu… sai”.

[P.S. Có thể lắm kẻ hiểu sai ấy chính là… Karl Marx]

TỪ KHI CHÚNG TA LÀ MỘT HỘI THOẠI…

Hoelderlin: “Từ khi chúng ta là một hội thoại, và có thể nghe ra nhau”.

Để có được hội thoại, là điều khó; khó đến từ nhiều lối, lắm ngả. Tạm nêu, và phân tích sơ bộ.

1. Nói bằng Tâm thành

Chửi bới Cộng sản này nọ, phê phán chính quyền bất cần nền tảng thì không gì dễ hơn: trên mạng đầy ra; để tạo chú ý, ta cứ nhặt từ đó mà ăn theo. Ở phía ngược lại, chụp cái mũ phản động cho các loại tiếng nói phản biện, cũng chẳng khác gì.

Với Cham, nói xỉa xói, đâm thọc người đồng tộc [hay người Việt chung chung] thì dễ: khó ai có thể cãi lại nỗi bóng gió ấy của ta. Còn đối tượng bị xỉa xói, đâm thọc quay lại chửi một tiếng rồi ngoảnh đi, cũng hệt. Hệ quả là cả hai cùng bị cuộn xoắn vào vòng kim cô không lối thoát.

Phản biện đúng-mạnh để buộc bên kia chịu ngồi lại nói chuyện, mới khó; nói, để có thể nghe ra nhau, càng khó hơn nữa. Chỉ khi nào ta biết “đi ra khỏi con người mình” với tâm giải sân hận, ta mới “có được hội thoại”. Qua đó nút thắt Gordian mới có cơ may được tháo gỡ.

Muốn thế, cần đến tâm thành. Câu: “Người khôn ăn nói nửa chừng/ Để cho kẻ dại nửa mừng, nửa lo” bộc lộ tâm lí thành phần người Việt có chữ nghĩa ngày xưa, là rất tệ. Nói mà không ra nói, nửa kín nửa hở; còn tính toán được mất trong nói – là tâm chưa thành.

2. Trách nhiệm của nói

Monica Lewinsky trong một “talk” đầy xúc động, bật một ý sáng giá:

“Ta đã nói rất nhiều về quyền tự do ngôn luận, tuy nhiên ta cần nói nhiều hơn về tinh thần trách nhiệm trong tự do ngôn luận. Tất cả chúng ta muốn được lắng nghe, nhưng hãy nhận thức rõ khác biệt giữa việc lên tiếng có mục đích với lên tiếng chỉ để gây sự chú ý”.

(We talk a lot about our right to freedom of expression, but we need to talk more about our responsibility to freedom of expression. We all want to be heard, but let’s acknowledge the difference between speaking up with intension and speaking up for attention).

Muốn lên tiếng có mục đích, cần rõ ràng, cụ thể, và MỘT [1] NGHĨA. Viết, không phải để mình hiểu, mà là để NGƯỜI KHÁC HIỂU. Viết, chớ để người đọc đoán mò, từ đó có thể hiểu sai ý mình. Khi đã rõ ý, ta không thoái thác, mà chịu trách nhiệm về ý kiến của ta.

Tự do ngôn luận là tự do trong trách nhiệm.

3. Nói để mở

Nói, không phải để cắt, đóng cánh cửa với phía bên kia, mà là mở đường cho đối thoại.

Ví dụ, về Dự án ĐHN Ninh Thuận, tôi nêu 3 điểm chính: Cham cư trú ở đây hơn 2 ngàn năm, non phân nửa dân Cham ở VN đang sinh sống ở đây, và hơn trăm điểm tôn giáo tín ngưỡng đang được thờ phụng nằm trong vùng ảnh hưởng. Nói cho Cham hiểu, cho Chính phủ hay, và cho thế giới biết. Làm Điện hạt nhân, cần xét đến 3 điểm trọng yếu đó.

Về Dự án Nhà máy thép Cà Ná, tôi có bài “Ninh Thuận thực sự cần gì”? – Cần: Nước, Văn hóa Cham, và Du lịch bán sa mạc, chứ không phải thép.

Về Ghur Bini, tôi phát biểu nguyên văn: “Tôi nói, là để giúp đỡ Đảng và Chính quyền. Tại sao? Vì không chính quyền nào dung chưa cá thể xâm phạm đất tín ngưỡng tập thể cả. Nói, để phòng ngừa thiệt hại với nguy cơ lớn hơn”.

4. Cách nói [viết]

Khác với văn chương càng hàm nghĩa càng tốt, việc viết [Status hay Comment] về vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến hiện thực đời sống, cần câu cú rành mạch, thái độ dứt khoát về sự thể đang bàn.

Không lạc đề và chung chung đã đành, sự mơ hồ thì càng tránh. Đề xuất biện pháp của ta bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể, để ai cũng nắm bắt và bàn luận được.

Tôi là kẻ đam mê chữ nghĩa KHÓ từ rất sớm.

4 tuổi, tôi đã thuộc lòng Ariya Glơng Anak, thi phẩm cực khó. 20 tuổi, tôi mê mệt Heidegger, triết gia bị xem là khó hiểu nhất thế kỉ XX: trở ngại xuất phát từ sự thẳm sâu và mới mẻ của tư tưởng ông. Phần đầu của Âm thanh và Cuồng nộ của Faulkner là chương cực kì khó nhằn, nhưng đó lại là thủ pháp sáng tạo độc đáo nhất của văn chương nhân loại, vậy mà 18 tuổi tôi đã say sưa nó.

Thế nhưng, tôi không chấp nhận thứ văn nghị luận mơ hồ và khó hiểu. 

Mơ hồ và khó hiểu không bởi tư tưởng, mà do: [1] Tư duy chưa sáng rõ, [2] Thiếu ngôn từ, [3] Thiếu khả năng trình bày ý tưởng, và tệ hơn – như Nietzsche nói [4] “Chúng khuấy đục dòng nước cạn để ra vẻ sâu thẳm”, hòng đánh lừa người đọc.

Vậy, tại sao bạn cứ mơ hồ và khó hiểu?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *