[hay: Sai lầm về nguyên tắc của tôi-1]
Năm 2002, 45 tuổi, sau 10 năm lao vào thương trường, chúng tôi đã giàu. Phần tôi, dù chỉ dành 1/3 thời gian và trí lực nhập cuộc chữ nghĩa, từ chữ nghĩa – tôi cũng giàu.
Kẹt nỗi, do không có mệnh truyền hậu duệ, mỗi lần tôi buông thứ gì, là thứ ấy suy vi, hoặc chết. Buông Bàn tròn Văn chương, nó chết không kịp ngáp; buông Tạp hóa Haly’s, nó suy tàn không thể đỡ; hôm nay, buông Cty, nó lao dốc không phanh. Cho dù tôi luôn chuẩn bị bước tiếp theo cho nó.
Nhưng lẽ nào tôi mãi ôm cái GIÀU, để… chết? Phải cắt thôi.
Nếu châm ngôn tự tạo thuở 20: “Chúng ta đang tàn phá sinh lực tinh túy nhất của chúng ta, hàng ngày!” quan trọng nhất, thì ở 45 tuổi, là: “Mi không được quyền làm ra tiền nữa!”
Hai câu quyết định hướng đi của sinh mệnh tôi.
Giai đoạn [2] đời người, phần 3: tuổi 45-55 là khoảng cuối chót, tôi từ từ rời bỏ chuyến buôn đầu [kinh doanh] để làm cuộc buôn cuối: Con người chữ nghĩa. Tôi coi cuộc chữ nghĩa của mình như chuyến buôn kiểu khác. Hãy nhớ lại Ariya Nao Ikak (trường ca Đi buôn).
Nói cách khác, đời như một thuật toán, không hơn – ai đã nói thế là hiểu được tuyệt đại bộ phận sinh hoạt nhân loại. Và đã buôn, dù bất cứ thứ gì, thì phải học biết quản lí: Quản lí Con số.
Từ nhỏ học, tôi giỏi toán, chứ không phải văn. Rời khoa Anh ĐH Sư phạm TPHCM về, tôi được dượng Dọng cho đi học kế toán nông nghiệp khóa 6 tháng, để phụ ông điều hành HTX. Được hai tháng, tôi tự kết thúc khóa học. Bài thi giữa kì ba tiếng đồng hồ, tôi làm một loáng 20 phút là xong. Ngắn gọn và chuẩn xác. Vài bạn học đa số là sinh viên sau 30-4 thất nghiệp đề nghị làm theo cách Phú Trạm, nhưng thầy mà, đâu có chịu. Dở dang thế, tôi vẫn thuộc hàng kế toán điểm. Nhắc chuyện học toán để biết nó cần cho kinh doanh thế nào.
Rời bỏ Cty, tôi chuẩn bị cho bà xã một trụ cột xịn. Thế rồi ba đời…
[1] Năm 2001, bà xã thuê một anh người Việt đã qua Đại học, ý định đào tạo làm kế toán kiêm trợ lí. Khuôn mặt điển trai, khả năng tạm được, tôi ừ. Mới chân ướt chân ráo vào đã mắt la mày lét, để chưa đầy nửa năm vội ra riêng, hốt vài mối hàng, kéo theo một nhân viên đắc lực của Cty đi theo. Bà xã hoảng lên, tôi nói:
– Nó chết sớm thôi, chưa mọc răng khôn mà đã đòi cắn miếng cơm cháy.
Và chết thật. Sau ba tháng, nhân viên xưa hciêu hồi, còn kẻ phản chủ phải sang xin việc Cty khác.
[2] Một bạn trẻ Cham tốt nghiệp Trung cấp kế toán ghé xin việc, tôi ok. Chàng lành tính, thật thà, rất đáng tin. Tội là mỗi lần ngồi vào bàn, bà giám đốc tưởng rỗi việc, réo đi chở hàng giao cho khách. Mây bận nói không được, tôi kêu đến:
– Việc sổ sách Cty làm cả ngày không hết, sao cháu cứ bỏ cái bàn. Chú trả lương cho cháu mà…
– Nhưng cô biểu, cháu có dám đâu!
Hai năm, công việc kế toán bê bết, thế là nghỉ.
[3] Cô nàng ngồi vào ghế này tiếp đến mới ghê. Trẻ, lanh, và ma mãnh. Tôi ỷ mình dân trong nghề, có gì trị được, đã ừ. Hai năm, ba lần tôi đòi bà xã đuổi. Là chuyện tôi chưa từng với bất cứ nhân viên của Cty. Bà xã ngạc nhiên thì có ngạc, nhưng mãi chần chừ.
Cuối cùng cô nàng bỏ ngang xương, kéo theo hai nhân viên thâm niên nhất, cùng một nửa mối hàng lớn. Hani hoảng lên.
– Anh bảo rồi mà, – tôi nói. Và bồi thêm:
– Mẹ nó biết cô ta lấy cắp của mình nhiêu không? [im lặng] 200 triệu không dưới.
Bà giám đốc suýt xỉu:
– Sao không cho em biết… em biết…
– Hôm nay cho biết thì em xỉu, chứ cho biết khi ấy, em chết là cái chắc.
Tại sao hiểu chưa? Bởi nó không chỉ nắm bí quyết, mà còn cả bí mật Cty nữa.
– Còn muốn anh khai báo thêm gì nữa hôn?!
“Sai một con toán bán một con trâu” – người Việt nói.
Cty chẳng những sai một, mà nhiều con toán; không những một lần, mà nhiều lần. Là sai mang tính quyết định dẫn đến ‘brai rai’ toàn bộ.
Nguyên do: Suốt 5 năm Cty không tìm ra nhân vật có tinh thần THUẬT TOÁN, như ông Sara, để TRỤ.
______
Phụ lục
TÓM 4 KINH NGHIỆM THUẬT TOÁN CỦA TÔI
[1] Khách hàng là thượng đế.
Thói ở quê, người có tiền hay tâm lí xem thường kẻ nghèo khó, từ đó bà con mặc cảm, và tránh. Tôi ngược lại, đã xử ngang bằng. Tinh thần “Khách hàng là thượng đế – tôi đã vận dụng khi chưa được thiên hạ sau đó đọc thành nhàm tai.
Trước đó, tôi còn “nhà quê” lắm. 32 tuổi đầu, vẫn chưa bia rượu, thuốc lá, cà phê… Cũng cầm điếu thuốc như ai, cầm – để cho có vậy thôi. Mở quán, tôi học tất. Biết để ngồi với khách. Thế là khách đến quán tôi [cà phê, lai rai] một lần, thì hiếm khi bái bai nó.
10 giờ tối, thiếu đá, tôi sẵn sàng đạp xe lên Phú Quý mua phục vụ ba khách nông dân ngồi tán chuyện trên trời. Cánh nữ dắt con qua mua chục cân phân, thế nào tôi cũng kiếm vài miếng bánh cho bé…
[2] Bán thiếu.
Tại sao bán chịu mà không sập tiệm?
Ví dụ ba ông khách nhậu cuộc 100k, mình lời 30.000đ, 2 cuộc là mình đã bỏ túi 60.000đ; nếu cuộc 3 họ thiếu 30.000đ, thì mình có thể chấp nhận, bởi lần 4 họ ít khi thiếu chịu… cho đến cuộc 10 nếu họ có thiếu 100 ngàn, tổng cộng mình đã lãi 200.000 rồi còn gì!
Số nợ đó mình vẫn cho nó đứng, và xóa – nếu khó đòi. Chính là thuật toán. Chuyện bia bọt chỉ là trong ngàn ví dụ…
[3] Kiểm kê.
Rút kinh nghiệm người thuê trước đó [và nhiều quán ở nơi khác], nhẩm tính có lời là tiêu, không cần biết thực tế “hiện trạng” buôn bán thế nào, riết rồi thâm vốn dẫn đến sập tiệm. Dù là quán nhà quê, việc “kiểm kê” định kì quan trọng không thua gì lối làm ăn lớn ở Cty. Không kiểm kê, ta có ăn nên làm ra cũng là ăn may.
[4] Tiết kiệm.
Nhà quê có tiền lắm đâu, mong có của ăn của để, cần vận dụng tối đa “Triết lí tiền lẻ”. “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện” – người Việt nói thế.
Bà họ ngoại tôi giàu nhất đất Chakleng, chỉ vì nửa đời người (30 năm) biết áp dụng triết lí đó. Từ bàn tay trắng, bà có được 20 mẫu ruộng xịn, để “giải phóng” về, bà “hiến” tất cho Nhà nước.