Tôi có 1 ước mơ: Rằng Chàm mình thực tế xíu. Một xíu thôi.
1. Tuần trước tiến sĩ Thành Đài gửi cho tôi cái live stream giải thích về vụ bằng tiến sĩ-giả, tiến sĩ-email của anh. Live stream dài, và rất… chán.
– Chán, bởi hoàn toàn không cần thiết. Cánh moi móc cái “giả” của bạn từ mươi năm trước nhảm và vô ích đã đành, nay bạn giải thích nó nhì nhằng càng vô ích, và nhảm.
– Các dự án của bạn, chúng đã tới đâu? Chúng có mang lợi ích gì thiết thực cho cộng đồng không?
– Rồi thư cho Thủ tướng Việt Nam nữa, ông Phúc hay tay chân ông có ngó tới?
Đã có nhà nghiên cứu Cham thư cho Bộ trưởng, nhà thơ Cham thư cho Thủ tướng, vân vân… Hỏi các thư kia có được phúc đáp? Thực chớ, cả đời làm việc và “đấu tranh”, tôi chưa có thư nào đến cấp Huyện, nói chi vượt cấp!
Bạn viết thư với tư cách gì, VỊ THẾ bạn ở tầm nào, để họ không thể không trả lời!?
– Bạn kêu bạn “lãnh đạo” các hội đoàn này nọ, hỏi Hội đó ở đâu? Và chính sách kia tác động gì đến bà con Cham trong và ngoài nước?
Lời khuyên của Sara:
– Bạn cứ làm THỰC đi, làm cho HAY vào, cho Cham nhờ. Để các vụ việc lớn nhỏ của cộng đồng, bà con cần đến tiếng nói của bạn.
– Cá nhân bạn, hãy nỗ lực nâng tầm để thế giới biết đến tên tuổi bạn; để các Đại học lớn, Hội thảo tầm cỡ không thể thiếu bạn;
– Hội đoàn của bạn, hãy biến nó thành Tổ chức danh giá, để Việt Nam không thể chối từ yêu sách của nó.
2. Anh chị em, nhất là các bạn trẻ Cham nữa, hãy THỰC TẾ xíu đi!
– Ta cạnh tranh kèn cựa nhau mãi làm chi trong thế giới Cham nhỏ bé, chật chội?
– Ngưng phê phán hay chê bai công trình người này kẻ nọ, mà hãy làm công trình của mình đi. Nếu làm tốt, nó khẳng định tên tuổi bạn, và nâng tầm dân tộc Cham.
– Làm tốt, nói lên cái TỐT kia cho bà con thấy để mọi người biết và học tập.
– Trong khu rừng chưa được khai phá nhiều của văn hóa văn minh Cham, còn rất nhiều cái đáng làm hiện ở phía trước, hãy dấn vào – như tôi đã từng dấn vào: Túi không, mà hồn đầy chất ngất.
Hãy biết công nhận thành tích người khác, và học ngợi ca.
“Hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ” – thiên hạ nói thế. Nhưng ở tầm cao, thì khác. Hãy xem 2 danh ca cùng thời ca ngợi Thái Thanh ngay khi ca sĩ này còn sống:
Khánh Ly: “Tôi luôn xem bà là ngọn hải đăng của mình”
Lệ Thu: “Nếu nói vượt thời gian chỉ duy nhất dành cho Thái Thanh”.
3. Hãy xem INRASARA CA NGỢI [đã đăng tạp chí, tác phẩm].
Ca ngợi và ghi công đúng mực người có đóng góp cho cộng đồng, là cần thiết. Tôi đã làm vậy với “48 URANGCHAM”. Trích đoạn vài ví dụ…
LƯU QUÝ TÂN. Công bằng mà nói, bây giờ đọc lại, người đọc trung bình vẫn thấy nó còn nhiều thiếu sót; nhưng khi đó – với Cham, ông thật xuất sắc.
ĐÀNG NĂNG QUẠ đã hoàn thành chức phận của một nghệ sĩ sáng tạo đúng nghĩa. Cám ơn người nhạc sĩ đã ban tặng cho chúng ta Bhum Adei bất tử giữa lòng Cham.
DOHAMIDE VÀ DOROHIÊM. Dù tác phẩm được viết như là bút kí, nhưng không phải vì vậy mà nó đánh mất sự nghiêm xác khoa học. Hơn thế, những ngồn ngộn chi tiết xã hội được tìm thấy trong cuốn sách chắc chắn sẽ là cứ liệu ban đầu rất đắc cho các công trình khoa học mang tính hàn lâm. Từ “Dân tộc Chàm lược sử” đến “Bangsa Champa” là cuộc hành trình dài dặc.
Tôi đánh giá rất cao hành [công] trình này.
PO DHARMA ngoài luận án Tiến sĩ về Tư liệu Hoàng gia Champa còn có tác phẩm Panduranga và nhiều bài viết giá trị. Cả hai công trình về Akayet mới in, đều “rất công phu, nghiêm túc” và “giá trị”.
CHẾ LINH. Trong dòng chảy của nền ca nhạc Việt Nam hiện đại, tiếng hát Chế Linh là bất tử. Đây đích thực là đứa con của Đất!
TỪ CÔNG PHỤNG. Tôi nghĩ bất kì Cham ở bất kì đâu cũng có thể hãnh diện về đứa con đất nắng này! Cám ơn người nghệ sĩ tài hoa, đã đến và, đã làm đẹp cuộc đời.
ĐÀNG NĂNG THỌ đưa cho tôi mấy tập phác thảo các tác phẩm sắp tới. Tôi la lên: thiên tài! Bạn hãy ném bỏ tất cả để lao vào hoàn thành các phác thảo này đi, bạn sẽ là thiên tài.
Tôi nữa, tôi cũng hãnh diện về bạn mình.
AMƯ NHÂN xuất hiện cuối những năm 80 đã khuấy động được bầu không khí khá trầm lặng của xã hội Cham lúc đó. Tiếp thu vốn âm nhạc dân tộc phong phú và đặc sắc, Amư Nhân đã sáng tác nhiều ca khúc được truyền bá rộng rãi.
TRÀ VIGIA giàu chất suy tưởng, nhiều thể nghiệm mới, luôn tìm tòi khai phá. Ngôn ngữ thơ nhiều góc cạnh, tứ thơ chuyển bất ngờ, qua đó tiếng thơ của Trà vỡ vạc những ẩn khuất của tâm hồn con người Cham trong cuộc sống hiện đại.
Đến nay [2002] SAKAYA đã cho ra đời 3 tác phẩm nghiên cứu và hơn 40 bài viết. Một thành tựu không dễ gì đạt được với tuổi đời như thế. Nhưng đấy không phải là điều đáng nói – bởi dẫu sao bằng nhiệt tình và phương pháp đúng, người ta vẫn có thể làm được như thế, và hơn thế. Cái đáng quý ở Sakaya là anh đã vào cuộc gần như với bàn tay trắng.
Anưk Jalau. Khuôn mặt mới mang hơi thở mới vào thơ tiếng Việt. Ngôn ngữ đời thường cùng cách thể hiện hiện đại phơi lộ tâm tình thế hệ Cham sinh sau 1975: khỏe khoắn, dân tộc mà “không thiếu thế giới”.
Tuệ Nguyên có giọng thơ riêng biệt, không thể lẫn… giữa bao hỗn mang và thất thố, ta vẫn nghe được tiếng hát yêu thương đầy cảm thông cất lên. Tiếng hát đẹp đến ngậm ngùi.
Và nhiều nữa…