Mục “Khoảnh khắc cuộc đời” – HTV9 nẩy cái ý xem ông Sara có miếng nào ngon trình làng không. Nơi ấy… “nhân vật kể về khoảnh khắc nổi bật của mình từ đó truyền tải đến khán giả có thể nhìn thấy chính bản thân mình trong câu chuyện đó hoặc truyền tải thông điệp, giá trị nhân văn, ý nghĩa đến với mọi người.”
Và tôi “nghiên cứu” mình như sau:
Là kẻ chữ nghĩa: nhà văn, nhà nghiên cứu, diễn giả, nhà hoạt động xã hội qua chữ nghĩa, các khoảnh khắc đáng nhớ nhất của tôi là từ, do chữ nghĩa, qua đó gợi mở và gợi hứng cho tôi viết, hoạt động. Thử nêu 4 vụ cho các bạn chọn:
1. Năm Đệ Tứ, tôi tình cờ đọc nhận xét của nhà dân tộc học Pháp: Văn học Cham chả có gì đáng kể, tòm trong vài chục trang sách là cùng. Đọc, giận và quyết. Rồi tôi làm nên bộ Văn học Cham.
2. Chuyện nẩy từ kí ức. Sao mẹ kêu ‘Lingiik tathiik lơi’: Trời biển ơi, mà bà Hai Mót thì: Trời đất ơi?
Ngạc nhiên khiến tôi suy nghĩ miết, từ đó phát hiện đề tài Hải sử & Văn hóa biển Cham. Là một trong 3 đóng bóp lớn nhất của Cham vào lịch sử và văn hóa đa dân tộc Việt Nam.
3. Trước 1999 thơ tôi vẫn là thứ thơ “phải đạo”.
Mãi khi làm quen với văn nghệ sĩ tự do Sài Gòn, sau đó là Nhóm Mở Miệng, biết rằng hiện Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều dòng văn học khác.
Từ mở rộng suy tưởng, tôi thành chuyên gia Văn học ngoại vi Việt Nam lúc nào không hay.
4. Diễn thuyết
Năm 1998, dự Trại Sáng tác Đà Lạt, buổi chiều các nhà văn dân tộc thiểu số giao lưu với Trường PTTH Dân tộc. Một câu hỏi khá đơn giản học sinh nêu lên khiến nhà thơ Mai Liễu lúng túng.
Mà đâu chỉ Mai Liễu, đại bộ phận nhà văn Việt Nam cũng hệt. Tôi viết tiểu luận” Nhà văn Việt Nam sợ đứng trước công chúng, tại sao?” Thế là tôi tập đứng trước công chúng. Và nổi tiếng.
5. Riêng khoảnh khắc cuộc đời, thử đặt 4 chữ NẾU:
[1] Nếu năm 1977, tôi không bỏ Đại học, đời tôi sẽ ra sao? Tôi đã là ông giáo gàn, hoặc thứ gì đó đại loại…
[2] Nếu năm 1978, tôi bước lên con thuyền [chuyến vượt biên trot lọt sau đó], tôi đã là một Việt kiều yêu nước, hay bị thêm vào danh sách thành phần phản động…
[3] Năm 1999, nhận giấy mời làm to ở Trung Ương, nêu tôi ừ – tôi đã là ông quan to để suốt này chịu cho nhân dân rủa sả, hay đang nằm nhà đá…
[4] Gần hơn, nếu đã ngồi “ghế” Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, lẩm cẩm sao ấy, tay bợ trên chân đạp dưới rồi được cất nhấc, thì đời tôi đã lạc chợ về đâu hôm nay?
Ban biên tập quyết sự cố [1]: Inrasara bỏ Đại học!