SAO EM VỘI RA ĐI?

Bingi ikak thuma di glai: Ngon [đến] trói ông nhạc ngoài rừng.

Là lối ví von về cái ngon của Cham. Cham mẫu hệ, vậy mà dám làm thế với ông nhạc, chỉ vì một món ngon. Vậy đâu là món ngon đó?

*

Nhà sách Cá Chép, Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM, 3g chiều 19-12-2019.

Nhà văn Di Li ra mắt 2 tập sách mới về ẩm thực khắp trần gian muôn màu, nhà thơ Lê Minh Quốc sắm vai MC.

Người đẹp, vui vẻ, ăn nói có duyên, chủ đề hấp dẫn, không gian thông thoáng và ấm cúng. Hà cớ 34 sinh linh về dự mà đến hơn mươi mạng bỏ đi nửa chừng?

Đơn giản: CÔNG THỨC, NÊN NHÀM CHÁN. Một thứ công thức hạ sanh từ… nhà trường XHCN.

Buổi ra mắt tập thơ Bằng Việt, Phạm Xuân Nguyên làm MC ở Hà Nội mươi năm trước, 50 người dự, và không ai… bỏ về. Sau cuộc, tôi nói với các bạn văn:

– Độc giả Hà Nội kiên trì phải biết, ở Sài Gòn chơi kiểu này, họ bỏ đi hết cho mà coi!

Và đúng như bói, ở hôm nay, dù con số khiêm tốn hơn.

Vấn đề là ở người đọc. Họ yêu tác giả, họ thích đề tài, họ có khối câu hỏi muốn đặt ra với nhà văn ruột – họ đến. Hôm nay họ có dịp gặp mặt để trao đổi trực tiếp với tác giả, vậy mà họ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP!

Không ai tạo điều kiện cho họ nói, dù là 1 ý kiến nhỏ.

MC cứ mời, mời và mời. Hết nhà này đến vị nọ. Toàn nhân vật nổi tiếng. Và vỗ tay, hơn chục lần [sến như con hến]. Mà bỏ quên nhân vật quan trọng nhất: ĐỘC GIẢ.

Chuyện tôi.

Tôi chủ trì Bàn tròn Văn chương, chủ trì Cà-phê thứ Bảy Văn học, MC ra mắt sách, hơn trăm cuộc cả thảy, và không ai bỏ ra ngoài… tiểu.

Còn nếu nhập cuộc như một độc giả, tôi kiếm chỗ khuất ngồi, và nhường lời cho cánh trẻ. Vụ này “nổi tiếng” đến phóng viên kể lại ở Tuổi Trẻ: Giải Sách Hay, nhác thấy bóng ông Sara, MC mời phát biểu, tôi nói:

– Có 3-4 cánh tay giơ lên, 2-3 lượt, tôi xin nhường ý kiến cho bạn trẻ ngồi bàn ở phía trước… Không vui vẻ sao!

Năm 2015, tại Hà Nội, buổi nói chuyện về thơ Tân hình thức của Hieu Tran, 5 ‘ông già’ ngồi chen giữa 40 người trẻ. Ở đó có cái ‘ông già’ ba bận phát biểu đều ba bận ‘tôi đại diện cho thế hệ trẻ’, vậy mà không có bạn trẻ nào đứng lên phản kháng, mới lạ.

Tôi nói:

– Ở Sài Gòn, anh bị đòn ngay: Ai cho phép ông đại diện tôi?

Cánh trẻ Hà Nội đã im lặng, buổi hôm ấy. Sài Gòn ngày nay cũng nhiễm tật kia rồi, có lẽ.

Hai lần Đại hội nhà văn Việt Nam, bạn thơ của tôi hai bận lên diễn đàn: – Tôi xin đại diện cho các nhà văn dân tộc thiểu số…

Giờ giải lao, tôi đến gặp bạn ấy, chỉnh cho chuẩn ngay:

– Bạn có thể đại diện tất cả mọi người, trừ Inrasara ra, bởi tôi chưa cấp phép cho bạn cái quyền ấy.

Dự hội thảo [ra mắt sách, Bàn tròn…], quan sát sự vụ, tôi có nhiều bài về thói tật này, vậy mà xứ Annam ta cứ tiếp diễn. Đây là vài TÀI LIỆU THAM KHÁO:

“Vài khuyết tật của hội thảo”, tạp chí Tia sáng, 5-9-2008

“Bàn thêm về tinh thần hội thảo”, trang Lê Thiếu Nhơn, 29-8-2012

“Làm thế nào cắt đuôi khuyết tật của hội thảo”, Văn nghệ Thành phố, 15-9-2012

“Vì sao nhiều hội thảo không thành công?” Đà Nẵng cuối tuần, 4-7-2014

“Nghĩ từ việc người Thái làm hội thảo”, Bình Thuận cuối tuần, 4-8-2017

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *