Thương cảm-2. NƯỚC MẮT LY HƯƠNG & AI NỢ AI LỜI XIN LỖI?

1. Ở đó một thời, các cô gái mang ảo tưởng Việt kiều, nằm mơ đời sống sung túc bên kia đại dương; hay hôm nay, khối cô gái Việt đang mơ giấc mơ cô dâu Hàn, Đài, hay thấp hơn – Trung Quốc, không cần biết thân gái phải chịu phận gì sau đó.
Có thể các cô quen sướng, ham sang đã bất chấp hiểm nguy trước mắt cùng đời sống bấp bênh ở tương lai – như không ít người đang nhảnh cô gái xấu số Trà My.

Nhưng tại sao, bạt ngàn cô gái phải chịu xa quê, qua bán sức lao động rẻ mạt ở xứ người? Có là giấc mơ không? Nhật Bản, Hàn Quốc thì được, còn tại sao Malaysia, lương kém xa Sài Gòn? [Mươi năm trước, chục công nhân Cham và hai cháu ruột của tôi kêu cứu, là sự thật đau lòng.]
Hay mênh mông cô gái chấp nhận bỏ làng mạc, chịu vắt kiệt sức trong các công ty trong nước với đồng lương rẻ mạt, cũng đang mơ về giấc mơ xa vời mơ hồ ấy, tại sao?

2. Ngu ngốc và thiếu hiểu biết, ảo tưởng hay liều lĩnh, họ bỏ xứ sở mà đi. Bị đánh đập tơi tả, bị hãm hiếp hay bị bán làm nô lệ, và cả bị bỏ mạng – họ vẫn nhắm mắt đưa chân.
Lỗi tại ai? Tại chúng ta, những người lớn.
Tại Đảng, tại chính quyền các cấp, và những kẻ ăn theo và trục lợi từ cơ chế. Tại các người làm cha làm mẹ, các bậc trí thức đầy hiểu biết. Không ai khác.

3. Với Biển Đông ngoài kia, chuyện chính trị quân sự, ta còn so đo tính toán, ok.
Nhưng tại sao, ngay giữa lòng đất nước, ta phó mặc cho bao nhiêu dự án vô trách nhiệm làm cho xứ sở này tanh bành?
Tại sao môi trường sống hàng ngày, nhìn đâu cũng thấy bẩn? Thức ăn bẩn, nguồn nước bẩn, không khí bẩn, vân vân thứ bẩn.
Bẩn từ ngoài vào, ta bất lực hay đồng lõa?
Bẩn ngay bên trong được ta cấp phép [các cty xả thải giết chết bao nhiêu là dòng sông].
Bẩn giữa lòng người: giáo dục về ý thức môi trường hoàn toàn bỏ trống, để cho chính người Việt Nam vô tình đầu độc người Việt Nam.

4. Lỗi tại ai? Tại chúng ta, những người lớn.
Phạm Thị Trà My đã xin lỗi cha mẹ. Còn bao nhiêu lời xin lỗi nữa bị bỏ quên? Hậu Kc Nguyễn viết:
“Chính phủ và quốc hội nợ nhân dân một lời xin lỗi vì những thảm cảnh đã xảy ra. Là một người mẹ, cô xin lỗi con, Phạm Thị Trà My, vì chúng ta [cô và những người lớn] đã không thể làm gì khác…”

5. Khi tai họa ập tới [hay ta mời nó tới, hoặc ta mang nó trong mình], đám ong bay tứ tán, là phản xạ tự nhiên. Hiếm con may mắn thoát thân, đa số rớt xuống mái tôn (xem: ngụ ngôn “Quê Hương”). Đổ tội cho đàn ong kia, có thể không?
Điều chắc chắn, sẽ có những con ong cảm tử ở lại bám trụ quê hương, dù phải chịu số phận bi đát mươi lần hơn.

Đâu là khởi đầu cho hi vọng?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *