[hay: “Chỉ khi nào bạn bước ra khỏi “bồ chữ”, bạn mới có thể… lớn” – tặng Nguyễn Chế Đôn đọc chơi]
1. Nếu xưa, “kẻ biết chữ” được xếp hàng cao sang nhất, thì nay ngược lại: lép vế nhất! Nhìn ở khía cạnh nào đó, câu nói trí thức là cục phân của Mao chẳng oan tí nào cả!
Cao sang nhất, tại sao?
Ông bà Cham đồng hóa “chữ-akhar” với tri thức, không sai.
Trong xã hội đa phần mù chữ, kẻ biết chữ là người nắm trong tay tri thức, nghĩa là đầy sức mạnh. Giữa đất nước mù ngoại ngữ, kẻ giỏi ngoại ngữ cũng ở tư thế hệt.
Tại sao hôm nay, “biết chữ” lại lép vế? Mệnh đề liên quan đến câu hỏi cốt tủy: Biết chữ để làm gì?
2. Xét 2 cấp độ
Cũng ông bà Cham nói: “Akhar ô buh tamư gok hu”: Chữ không bỏ vào nồi [mà xơi] được. Vậy là ở cấp thấp nhất, có nhiều chữ mà chết đói, chỉ đáng trò cười cho thiên hạ. (Cần đối chiếu với quan niệm của Do Thái về quan hệ giữa trí thức và tiền.)
Cấp siêu đẳng: Trong lịch sử Thiền, Lục Tổ Huệ Năng là người “ít học” nhất (có người còn cho là không biết chữ) nhưng lại được truyền tâm ấn, từ đó Ngài đưa dòng Thiền qua một bước ngoặt quyết định.
Thế kỉ XX, Heidegger, Krishnamurti đặt bên cạnh các triết gia khác, không phải thuộc hàng “giỏi ngoại ngữ”, nhưng họ lại là nhà tư tưởng, đạo sư vĩ đại ảnh hưởng sâu rộng đến nhân loại.
Ngay mục này, “biết chữ”, “giỏi ngoại ngữ” cũng tiếp tục lép vế.
3. Xét ở cấp trung đẳng…
Nghiên cứu thì dễ, sáng tác mới khó; sáng tác khó một, hiểu người biết trời để tạo ra tư tưởng ảnh hưởng thế giới thì mươi lần khó hơn.
“Biết chữ”, “giỏi ngoại ngữ” nằm ở giai đoạn tiền-nghiên cứu, bởi với nghiên cứu, nó chỉ là thứ tiên đề, là yếu tố cần.
Câu chuyện [đã kể một lần, nhắc lại].
Tôi có anh bạn người Việt, không dưng nổi hứng chê tôi “không giỏi chữ Cham”(!) với ông chủ web Vanchuongviet, rồi tự khoe mình biết 27 thứ tiếng. Không dừng ở đó, anh còn tự viết tiểu sử mình dài vô tận đăng trên mạng ấy, với non trăm công trình nghiên cứu… sắp in. Sau đó, anh cũng cho ra vài đầu sách, và rồi chúng nằm góc xó nào trong hiệu sách, có ma mới biết!
Ảo tưởng về “biết chữ”, “giỏi ngoại ngữ” thành ra thế.
4. Ngay tuổi tìm học, tôi đủ thông minh để hiểu và xem nhẹ chuyện “biết chữ” hay “giỏi ngoại ngữ”. Chả ngoa đâu!
Học, tôi thuộc loài siêu. “Ngày Truyền thống học đường” Pô-Klong, tôi là học sinh giỏi nhất trường [năm trước là Thuận Văn Tài, vụ này qua 2 kì thì… giải phóng ]. Ngay lúc ấy, tôi đã nghĩ, chỉ học giỏi thôi mà, thế là tôi tìm học cái KHÁC ngoài chương trình.
Thế giới Cham, từ tuổi 20 tôi được xem là “bồ chữ”. Và rồi ngay ở đây, tôi đặt tiếp câu hỏi: Nhiều chữ để làm gì? Và chỉ qua câu hỏi quyết liệt kia, tôi mới cắt đứt ảo tưởng “bồ chữ”, để bước ra đời làm nghiên cứu, sáng tác, phê bình, diễn thuyết, và nhất là: dấn thân giải quyết vấn đề cộng đồng – để thành Inrasara của hôm nay.
*
P.S. CHÚ THÍCH VUI.
– Không hiểu từ đâu, vài người trong văn giới đồn tôi giỏi ngoại ngữ – là oan cho tiếng Anh. Tôi có nhận như thế ở đâu bao giờ!
– Ở phía ngược lại, hôm qua bạn trẻ Cham Inrawa chê tôi “không biết tiếng Pháp, tiếng Anh mà bày đặt bon chen” – là oan cho tôi (chữ “bon chen” cũng hơi bị ghê).
Pháp văn, tôi học từ lớp 6, rồi tập tọng làm thơ tiếng Pháp nữa. Sau 30-4 lúc 18 tuổi, không việc gì làm, tôi còn dịch nguyên tập thơ Paroles của Prévert. Nhiều bài được cho là rất được.
Sau “giải phóng” Trường Nguyễn Trãi bỏ môn Pháp văn, tôi vào lớp tiếng Anh. Tháng đầu cố lắm thầy Ninh chiếu cố 2-3 điểm, đến tháng thứ ba, tôi luôn điểm tối đa. Sau đó vào Đại học Sư phạm khoa Anh, được 5 tháng thì bỏ.
Chuyện học hành dù siêu tới đâu, với lối dạy ngoại ngữ ở ta, mục nghe-nói của tôi rất tệ, đến tận bây giờ. “Tệ”, là tội tự đay mình, chớ xét kĩ thì cũng trung bình yếu. Biết phận, nên hai năm qua tôi rèn dữ. Có ngày 8 tiếng đến Út phải la, cei học như điên ấy.
Diễn trong nước, thì có người dịch, chớ 3 bận mang chuông đấm xứ người dài ngày, tôi tự quậy. Cũng ngon chán. Hôm ở Đài Bắc, đọc 2 bài thơ ngắn sáng tác trực tiếp bằng tiếng Anh, họ vỗ tay muốn vỡ hội trường. Ba hồi liền chớ chẳng chơi, khiến tôi cứ nghĩ, hay họ vỗ đuổi xuống, như ở Việt Nam? Mãi giải lao, đám trẻ đến xin chữ kí mới biết là không phải. Hú vía!