Là nguyên văn câu trả lời phỏng vấn về Giải SEA Write 2005, và phóng viên cho tôi… khiêm tốn. Hôm nay nếu tôi kể lại hệt vậy, sẽ có vài Chàm mình kêu tôi “khoe khoang” cho mà coi. Cả hai đều… sai. Không có gì gọi là khiêm tốn hay khoe khoang ở đây cả. Vấn đề là cách nhìn. Khi mình thấy mình may mắn là mình may mắn, thế thôi.
Đây là câu chuyện của tôi.
Nhà có 6 anh chị em, tôi được Bà Trời sắp cho ngồi giữa. Có chị có anh, có em gái em trai đủ cả. Sinh trong gia đình nông dân vô sản toàn phần, tôi may mắn được học hành liên tục.
Cha mẹ đều mất ở tuổi 82, tôi có mặt đúng lúc để “graang”, là may mắn khác.
Đất nước chia hai giết nhau chí chóe, may mắn tôi không bị cầm lấy súng. ‘Giải phóng’ tôi không phải “đóng công lao động xã hội chủ nghĩa”, càng không chịu đói bữa nào, cũng là may mắn.
Vào Trung học đậu thủ khoa được học bổng cho cha mẹ đỡ lo; vào Đại học sớm rời bỏ, tôi cất bớt gánh nặng gia đình, tôi cho đó là may mắn lớn.
Làm việc ở ba cơ quan, tôi không phải làm đơn xin việc. Đút túi thẻ hội viên ba Hội cũng thế.
Vào cuộc văn chương chữ nghĩa, ba tác phẩm đầu tay in cùng năm thuộc ba thể loại khác nhau: Sáng tác, nghiên cứu, và dịch tôi ôm luôn ba giải. Sau đó giải thưởng các thứ liên tục đến, không có ngôi sao may mắn chiếu mạng khó mà có được.
Tôi giữ khá nhiều “chức”, do được mời ngồi chứ không phải tranh giành. Rồi khi nghe có mùi, thấy bất tiện hay không còn thú vị nữa, tôi rời bỏ, nhẹ nhõm không nhỏ giọt nước mắt phim bộ.
Tôi là sinh linh dù biếng du lịch, lại hay đi nhiều [trong lẫn ngoài nước] cũng nhờ có cái số may mắn được người/ tổ chức khác lo cho.
Tôi làm việc kinh hoàng, nhưng luôn trong tâm thái vui vẻ. Tôi không giàu, nhưng chưa bao giờ gọi là thiếu tiền xài.
Chuyện xã hội cộng đồng Cham, bà con cậy, tôi dấn vào đa phần đều được việc – chỉ có thể nhờ thần may mắn hỗ trợ mới nên cơm cháo.
Từ tuổi hiểu biết, tôi chưa từng hỗn với người lớn tuổi, chưa phải hối hận vì đã lỡ nặng lời hay xử bất công với ai, chưa bị đẩy vào cảnh phải giành giật – là điều may mắn lớn trong thời buổi tạp nham này.
Dù bị bao trớ trêu, tôi chưa làm mếch lòng giới Ao Kook (chức sắc tôn giáo Cham), ngoài Acaar Thượng xử không phải, tôi đành xin phép… block.
Là trí thức, tôi may mắn được người làng quý trọng thật lòng [là chuyện tưởng dễ, nhưng cực khó]. Về palei, tôi được mời cà-phê, cơm nước chén chú chén anh vui vẻ. Thuyết trình tai hội thảo quê nhà, các chị kêu ước gì mỗi năm anh Trạm về nói chuyện với bà con vài lần.
Cuối cùng, may mắn hơn mọi may mắn là, anh chị em tôi, các cháu tôi [hơn 80 cả thảy tính riêng họ nội] chưa hề có lời phiền trách dù nhẹ nhất với Wa/ Ông Xiit chúng. Không tuyệt sao?
Dẫu Việt Nam có tanh bành tới đâu, dù Cham có cùng khốn cỡ nào, khi ta có cách nhìn khác thì đời ta sẽ khác. Tại sao các bạn không thử vận may của mình đi?
Dĩ nhiên đời người không phải cứ là may mắn, không may có khi lại hay. Hơn nửa đời hư, tôi gặp ba điều không may. Thiệt cho tôi thì ít, cho Cham nhiều hơn. Tôi không dại mà kể hết, sẽ dành nó cho Hồi kí, chắc chắn hứa hẹn có nhiều thú vị.