VẬN MỆNH THÁC BẢN GIỐC & NHIỆM VỤ CỦA NHÀ THƠ

1.

Tháng 11 năm ngoái, bạn Dung Duong Trung hú tôi:

– Hà Nội đẹp lắm, anh Sara ra đây đi, không thì phí. Một tuần mươi ngày, rủ thêm 2-3 bạn nữa, đi chơi, nói chuyện, tùy anh. Thế là: đi. Cô độc.

Và câu chuyện của tôi xoay xung quanh: Khủng hoảng bản sắc Việt [Nam].

Khách sạn tương đối sang trọng, rộng và thoáng. Mỗi ngày tôi quến về 3-4 dân khoa bảng, đại học, trí thức trong thành Hà Nội hay từ các thành phố lân cận đến, chuyện vãn, trao đổi. Thế lại hay. Thêm hai buổi thuyết ở đại học nữa.

 

Bạn Dũng là dân kinh doanh, cực kì yêu mê văn hóa Việt, đặc biệt say mê văn bản cổ. Để làm gì? – Tìm bản sắc Việt là một trong những. Ở đó, anh nói một ý đáng suy gẫm: Thác Bản Giốc thuộc Việt Nam, mà người Việt Nam [cả dân tộc thiểu số ở mảnh đất ấy] không có lấy một mảnh chuyện về nó, thì làm sao mà giữ đất. Bà con kéo nhau vào nam thôi…

Chính quyền lùa bộ đội lên giữ, có cự nổi với Trung Quốc không? Trong khi giữ đất thuộc quyền và nhiệm vụ của dân. Quân đội chỉ có nghĩa vụ đảm bảo an ninh.

Câu chuyện MỚI về Bản Giốc, tại sao không? Nếu không, đâu là bổn phận của thi sĩ? Hội Nhà văn Việt Nam có trong túi áo hơn ngàn hội viên trong đó 2/3 là nhà thơ cơ mà!

 

2.

Câu chuyện?

Nhà thơ Tung Nguyen kể: Trong một cuộc họp với thổ dân da đỏ Canada, đại diện chính quyền tuyên bố vùng đất ở đó thuộc quyền sở hữu nhà nước. Vị trưởng lão hỏi: “Nếu đất đai là của quý ngài, thì quý ngài có câu chuyện nào kể lại cho chúng tôi nghe không?” – Không có! “Thế là vị này liền đọc một câu chuyện bằng thơ liên quan đến những sinh hoạt của người da đỏ hàng trăm năm trước bằng tiếng địa phương, để chứng minh rằng vùng đất đó là của họ. Dù bằng chữ viết hay truyền miệng, những câu chuyện bao giờ cũng sống lâu hơn cả trong lòng chúng ta, lưu giữ ở đó ánh sáng của mặt trời đã tắt”.

Với dân tộc Cham, dù mặt trời Champa đã tắt, nhưng câu chuyện sống dai dẳng trong tâm thức Cham. Mênh mông câu chuyện! Có thể nói, chúng sống còn mạnh mẽ hơn, sâu thẳm hơn, dai dẳng hơn lịch sử thành văn. Chính nó là câu chuyện SỐNG người Cham dùng tới khi muốn chứng minh sự tồn tại của mình trên mảnh đất này.

Sứ mệnh của thi sĩ là canh thức và kể lại các câu chuyện xuyên thế hệ. Câu chuyện có thể thay đổi, nhưng tinh thần của nó không thể biến mất. Chúng tiềm ẩn và làm nên sức mạnh tâm linh dân tộc, cho đến khi nào dân tộc đó từ chối chúng, bỏ quên chúng.

 

3.

Cụ thể hơn, câu chuyện Cham Pangdurangga thì bạt ngàn, nhưng ai là người nhớ, và kể lại? Nhất là, ai là người nghe? Người ta cứ đua nhau đi làm chuyên to con, vĩ mô mà bỏ quên điều tưởng như nhỏ nhặt ấy.

10 câu chuyện trong Thả Diều Xứ Nắng của tôi được nxb Kim Đồng in 24.212 bản phát hành khắp cả nước. Nhưng thế hệ thanh thiếu niên Cham có cầm được nó trên tay không? – Chắc chắn là không rồi. Nó cư trú tận đẩu đâu, chứ không có mặt trong dân. Nhà nước ta ứng xử với Sử thi Tây Nguyên cũng hệt.

Tôi đã phải mua 1.000 bản để phát hành giá rẻ trong cộng đồng Cham. Rồi chỉ qua 3 ngày, chúng hết sạch! Với Cham Pangdurangga, tôi sưu tầm, tôi kể, tôi viết thành sách, tôi mua lại nó rồi bán giá như biếu cho bà con.

Chơi kiểu đó, người Cham không yêu đất, yêu palei, giữ làng – mới lạ!

Còn Bản Giốc?!

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *