Chữ & Nghĩa 36. CỦA TÔI KHÔNG PHẢI LÀ TÔI

Một hiện tượng xã hội hay văn chương bất kì, không thể bị dập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở.

(Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, 2006)

 

Câu chuyện

Hôm nói chuyện ở Tây Ninh, một bạn văn hỏi: Tại sao Inrasara mãi khen thơ hậu hiện đại, trong khi mới đọc vài chục bài tôi không thể chấp nhận đó là thơ. Tôi nói:

Thuở Thơ Mới, Hoài Thanh phải đọc cả vạn bài mới chọn được hơn trăm bài hay vào tuyển [mà chắc gì đã hay hết!]. Thơ hậu hiện đại cũng hệt, bạn cần đọc nhiều, rất nhiều, loại bỏ và loại bỏ, mới chọn ra được cái đáng đọc.

Hãy tưởng tượng, bạn lượm lại mấy bài bị Hoài Thanh vứt bỏ ngày xưa ấy…

Muốn vượt qua Thơ Mới, ta hãy vượt qua chính những bài thơ hay trên. Nghĩa là cái vô ngôn của phần tinh túy nhất của Thơ Mới.

 

*

Hắn chê đầu tôi hói, thế nhưng tóc tôi không phải là tôi: tôi hiểu hắn không chê tôi.

Hắn chê chân tôi ngắn, chân tôi không phải là tôi: nghĩa là hắn không chê tôi.

Hắn chê thơ tôi dở, thơ tôi không phải là tôi: đích thị không phải hắn chê tôi.

Hắn chê tác phẩm tôi kém, tác phẩm tôi không phải là tôi: chắc chắn hắn không chê tôi.

Áo quần tôi, chân cẳng tôi, giọng khàn khàn của tôi, thơ văn hay nghiên cứu phê bình của tôi, anh chị em tôi tất tần tật chúng chẳng phải là tôi.

Tóm lại, […] của tôi không phải là tôi.

 

Thế nên, tôi dễ dàng pha khi chúng nó bị chê; còn nếu tôi có nổi hứng nói lại, là nói giúp nói giùm nói vì hắn, chứ không phải vì tôi.

Còn nếu hắn chê […] của tôi mà ảnh hưởng đến kẻ khác, tác hại đến sự vụ chung, tôi sẽ cho hắn từ tẩu vi đến bị thương ngay.

Chớ bỡn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *