Ta không thể đi vào tương lai bằng giấc mê Quá khứ
Đi vào ngày mai bằng niềm tiếc Ngày qua
Không thể bay cao khi hồn còn trì nặng sâu mọt căm thù
Không thể đi xa khi chân còn kéo lê sợi tơ kiêu hãnh hão
Hãy để Tháp Cánh Tiên, Tháp Chùa với nhà trùng tu thi gan giông bão
Để yên Tara, Garuda trong viện bảo tàng
Pô Klong, Xah Bin – xin thắp ngọn nến, nén nhang
Coi chừng hai buồng phổi ta thiếu ôxi bởi khói!
(Tháp nắng, 1996)
Câu chuyện
Lai căng là bản chất của sáng tạo; bởi nếu cứ khư khư ôm “gốc”, Cham mãi ngồi lỳ một chỗ thôi. Đẩy thêm một bước, lai căng là sinh mệnh của văn hóa, vì chính lai căng mới làm cho văn hóa chuyển động, và có sức sống.
Tiếp thu kiến trúc Ấn Độ để dựng nên tháp Chàm, ông bà Cham có ở yên đâu, tiếp tục và tiếp tục… Thế mới ra 7 phong cách tháp Chàm. Học thêm từ ngoài (lai căng), rồi chế biến làm ra của ta. Khi tiếp nhận cái mới, cái khác, đâu thể thiếu món cãi nhau. Vậy mà tất cả chúng cứ là bản sắc Cham. Để hôm nay con cháu ưỡn ngực về chúng.
Bản thân Inrasara, học theo ông bà, cũng đâu ở yên. Xét riêng thể loại thơ: Inrasara của ariya với lục bát ò e ru em, chính là “nguyên gốc” của thơ tôi (tôi viết tiếng Cham & Việt cùng lúc). Nếu tôi cứ ôm “gốc” kia, nếu tôi cứ “truyền thống đích thực” thì Inrasara chết lâu rồi còn gì. Để sống, tôi bắt đầu mất gốc và lai căng.
– Giai đoạn 1: Tháp Nắng, Hành Hương Em: thủ pháp tiền hiện đại
– Giai đoạn 2: Lễ Tẩy Trần Tháng Tư: hiện đại và một phần hậu hiện đại.
– Giai đoạn 3: Ở Nơi Ấy [Thơ Thời Cuộc]: thủ pháp hậu hiện đại toàn phần.
– Giai đoạn 4: Sầu Ca Trên Đồi Cát Nam Kương, tôi giải thoát tất cả!
And Inrasara will always be Inrasara!