[viết cho ngày sinh thứ 85, và cho ngày cuối Padhi thầy]
Ngẩng lên không thẹn với trời, cúi xuống không tủi với đất, nhìn vào lòng đời không hổ với nhân gian. Trườn thân khổ qua cõi trần này, một sinh linh giữ mình lành lặn sau bao sóng gió, cũng đủ mang tên “con người”, một con người đích thực.
Nguyễn Văn Tỷ đã là con người như thế.
Không thẹn với trời, khi lương tâm ông sạch bong, không chút vướng bụi trần. Cả đời, ông thuận theo lẽ trời, mà hành mà ngôn.
Không tủi với đất, khi nơi nào ông đặt chân tới, thì mảnh đất đó dù cằn khô sỏi cát hay nhiễm mặn tới đâu cũng dậy tràn bóng mát của cỏ cây, sắc thắm của hoa lá.
Không hổ với nhân gian, bởi từ bổn phận gia đình cho đến trách nhiệm xã hội, ông không từ nan gánh vác công việc nào bất kì khi cộng đồng cần đến.
Không xứng danh sao!
Ông vô tư và vô vị lợi. Ông công tâm và thủy chung như nhất. Ông hết mình và tới cùng. Thế nên, ông không sợ hãi. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, ông đạt đến bậc Vô bố úy! Biết lẽ trời và hiểu lòng người, sinh linh ấy ngôn và hành…
– Ông chức Hiệu trưởng Trường Pô-Klong, sau đó đóng vai Trưởng Ban BBS sách chữ Chăm làm nên bao thành tích,
– Hai năm liền ở tuổi thất thập, ông cho ra mắt tác phẩm đầy ưu tư về cộng đồng: Giáo dục toàn diện và sự phát triển xã hội, và Đời sống Văn hóa – xã hội người Chăm Việt Nam,
– Hay ông là tác giả bài thơ tiếng Cham nổi tiếng: “Thu-ôn Bhum Cam” được rất nhiều Cham thuộc, có người còn dùng để pôic jāl,
– Hoặc từ buổi đầu đặc san Tagalau ra đời, ông luôn thể hiện bản lĩnh của cây bút trụ cột.
Một Cham làm nên bao công trạng kia đã là “trí thức” sáng giá rồi. Nhưng không! Trí thức đúng nghĩa là biết thể hiện thái độ trí thức, thể hiện đầy tự nguyện và vô vị lợi, đồng thời dám chịu trách nhiệm về thái độ của mình. Nguyễn Văn Tỷ đã thể hiện thế nào?
Xin tuần tự …
– Năm 1980, ông có thư giải trình, đồng thời phản bác các ngộ nhận về Cham. Về Nhà Vãng lai Sắc tộc, về Trường Pô-Klong, về Trung tâm Văn hóa Chàm. Nhớ, ấy là thời điểm đất nước đầu thập niên 1980 đầy bấp bênh!
– Năm 1993, ông đơn thương độc mã đối mặt với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh xuyên tạc trí thức Cham. Ông đứng lên phản bác tại hội trường, sau đó viết thư kiến nghị gửi Trung ương giải quyết sự vụ.
– Năm 2002, khi cuốn Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn… gồm 23 vị khoa bảng có chương viết rất tai hại về Cham, ông thảo đơn thư phản đối [có 18 nhân sĩ trí thức Cham cùng kí] gửi các nơi, buộc nhà xuất bản phải về tỉnh giải trình.
– Năm 2006, ông lên tiếng đấu tranh về vụ Kiều Minh Vũ ở Thành Tín.
– Năm 2009, qua “Sự cố Văn hóa Nguyễn Thành Thống”, ông viết phản biện mạnh mẽ đầy thuyết phục.
– Năm 2013-2015, lên tiếng về Ghur Darāk Neh, ông Tỷ là một trong 4 trụ cột quan trọng.
– Riêng việc xây dựng Hội đồng Sư cả Cham Bà-ni, ông chính là người đặt nền móng, ngay từ đầu thập niên 1970.
Hỏi, có bao nhiêu trí thức Cham hôm nay làm nên 6+1 cuộc đấu như thế? Đấu với ngoài, đấu hợp pháp, đấu trực diện, đấu đa phần thành công? Và nhất là, đấu cho đến tận những năm cuối của cuộc đời. Chắc chắn, Nguyễn Văn Tỷ là một trí thức chưa hề ngủ!
Thưa bà con và các bạn!
Cho phép tôi có đôi lời bộc bạch riêng tư giữa tôi với ông Nguyễn Văn Tỷ. Ông là thầy, sau đó là thủ trưởng tôi, đồng thời là bạn vong niên của tôi khi tôi bước chân vào trận đời. Giữa hỗn mang thời cuộc hay trong cô đơn tình người, ông luôn bên cạnh tôi. Giúp ý kiến nhau giải quyết vấn đề cộng đồng, thậm chí chỉ cần nửa cái nhìn, một câu nói nâng đỡ tâm hồn nhau khi đối mặt với thách thức, cũng đủ.
Như bao sinh linh khác, con người này có thể sai lầm, nhưng tuyệt không độc ác; ông có lúc chán nản, nhưng chưa một lần phủi tay rũ bỏ trách nhiệm; thầy có thể giận lẩy nhưng luôn thủy chung như nhất, đặc biệt với cá nhân tôi.
Đó là ông – Nguyễn Văn Tỷ của tôi, và của tất cả chúng ta hôm nay.
Ngẩng lên không thẹn với trời, cúi xuống không tủi với đất, nhìn vào lòng đời không hổ với người. Suốt chín thập kỉ, con người ấy đi qua cõi trần, như thế! Ông xong định phận Cham, trọn sinh phận người, hồn nhẹ như mây trời, ông sẽ bay đi. Cũng đủ lãng quên đời. Nhưng đời sẽ không bao giờ quên ông, quên dấu vết ông để lại. Dù ở đoạn cuối cuộc đời, đời đã làm cho ông khóc.
Chỉ có ông đứng khóc
Dũng cảm và cô đôc [như] một kì quan!
Hôm nay tôi xin nghiêng mình trước kì quan đó, một kì quan khiêm nhường ở cộng đồng nhỏ bé trong khoảng mênh mông trời đất và giữa lòng sâu thẳm nhân gian.
Sài Gòn, 10-1-2019
*
Chú thích về chữ “kì quan”.
- Câu thơ
“Chỉ có ông đứng khóc
Dũng cảm và cô đôc [như] một kì quan!”
trích từ tập Lễ Tẩy trần tháng Tư (2002), là tôi viết về người anh họ, được dung ở đây để làm kết cho bài viết. Đó là lối viết hình ảnh mang tính tượng trưng.
- Một kì quan cần đến nhiều đặc tính cao cường. Tôi không gọi thầy Tỷ là “kì quan”, mà là dũng cảm và cô độc “như một”. Thầy có 2 đặc tính: ĐẶC BIỆT và DUY NHẤT, tôi nói tiếng Cham: karei crih – yom tha.
Đặc biệt: ở xã hội hôm nay Thầy dũng cảm: kéo dài, quyết liệt và tới cùng.
Duy nhất: thế hệ Thầy không một ai làm như thế.
- Hai đặc tính ấy “NHƯ LÀ” một kì quan trong xã hội nhỏ bé Cham, chứ không trong Việt Nam hay thế giới. Theo tinh thần vô phân biệt, một đóa hoa dại nở giữa sa mạc, cũng cần được nhìn như một kì quan.
Karun bà con & các bạn!