1. Triều đại Pô Rômê (1627-1651) sụp đổ, Champa mất Phú Yên vào tay Đại Việt. Con dân Cham bắt đầu lưu lạc. Năm 1692, 5.000 gia đình Cham từ Pangdurangga di cư qua Cambodia, được vua Chân Lạp cho cư trú ở vùng đất tốt dọc sông Mekong. Không dừng ở đó, sinh linh Cham lại tản mác đi nhiều miền đất khác nhau, một bộ phận qua tận Thái Lan.
Dưới triều vua Rama I, người Cham chiến đấu bên cạnh quân đội Xiêm trong các cuộc chiến tranh Miến – Xiêm. Đền đáp sự dũng cảm và lòng trung thành của di dân này, vua Thái đã cấp đất cho Cham cư trú bên ngoài thành phố cổ, một địa điểm nằm trong quận Ratchathewi, cạnh kênh Mahanak. Hiện nay, làng Cham Baan Krua với hơn 5.000 dân cùng những ngôi nhà thấp bé nằm khiêm cung giữa các tòa nhà chọc trời của Bangkok, ngay phía bắc Sân vận động Quốc gia.
Mohd Mansour Halim (“Làng Chăm giữa phố thị Bangkok”, 16-3-2015
https://www.ttxva.net/lang-cham-giua-pho-thi-bangkok/) viết:
“Giữa làng có một ngôi thánh đường gỗ rất cổ với nhiều vết chạm khắc hoa lá rất tinh xảo. Tuy nhiên, thánh đường đã không còn được sử dụng và thay vào đó là ngôi thánh đường kiên cố bằng xi măng xây trước cổng làng. Nhưng người già nơi đây đều có thể nói được tiếng Chăm, người trẻ thì không.”
Năm 2003, Jaka ghé thăm bà con ở Baan Krua cũng ghi nhận tình trạng này. Buồn không?
2. Di cư qua mảnh đất mới, cộng đồng Cham mang theo mình kĩ năng dệt lụa thủ công truyền thống từ quê nhà. Họ âm thầm sống, âm thầm dệt lụa như dệt một tương lai mơ hồ, vô định. Cho đến khi họ gặp một nhà kinh doanh lạ lẫm.
Jim Thompson bắt đầu quan tâm đến lụa Thái vào cuối thập niên 1940. Ông đến Baan Krua làm việc với một nhóm gồm 8 gia đình Cham sản xuất lụa cho công ty ông. Ông mang một mẻ lụa mẫu đến New York, được tạp chí Vogue lăng xê, từ đó tơ lụa Jim Thompson cất cánh.
Li Tana, trong một nghiên cứu sáng giá của mình, cho hay:
“Bộ phận người Cham, sau khi đất nước rơi vào tay nhà Nguyễn, đã lưu lạc qua các biên giới nước. Chẳng hạn ngành công nghiệp tơ lụa Thái nổi tiếng, đã mang nợ các thợ dệt Cham di cư từ Đông Dương và Campuchia ở giữa triều đại Rama I và Rama III (1782-1851). Được hưởng quyền sản xuất phục vụ triều đình, “lụa Thái” đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới” (2004, Water Frontier, Rowman & Littlefield Publisers, Inc., Singapore, p. 8).
Họ hưởng lợi, còn Cham thế nào?
3. Khi Thompson lần đầu đến Baan Krua, Khun Niphon còn là cậu bé Cham nghịch đất. Cha của Khun Niphon là một trong tám thợ dệt làm việc với Thompson. Hơn nửa thế kỉ sau, Eric Lim (“Thai silk weavers of Ban Krua”, 11-2018 https://www.tour-bangkok-legacies.com/thai-silk-weavers.htm…) cho hay:
Hôm nay Khun Niphon là hậu duệ duy nhất trong tám gia đình gốc của những người thợ dệt lụa Thái Lan. Hầu hết các thành viên Baan Krua đã rời bỏ cộng đồng vì các công việc khác, và hiện còn khoảng 40% người “bản địa” hoặc con cháu họ còn bám đất bám làng.
Họ đi đâu, không biết. Chưa có thống kê đầy đủ về lưu dân Cham Muslim này. Hay họ lại lang bạt như người anh em ở An Giang, Pangdurangga xưa cũ?
Làm gì?