Cham sống sót, làm gì?-8. CHỮ SỐNG SÓT

Hiếm có dân tộc nào quý chữ, điên chữ và cuồng chữ như Cham.

Thống kê không chính thức, sau CMT8, có đến 90% người Việt mù chữ, thì cùng thời điểm, tìm đàn ông Cham không biết chữ mẹ đẻ, là cực khó. Ngay thế hệ cha chú tôi, Chakleng hơn ngàn dân chỉ có 3 sinh linh mù chữ!

Thế nào cũng phải có Akhar K vak di tangi: chữ K treo vành tai, mới yên. Nếu không, ngày cuối cùng đám tang ông, thầy Paxeh [hay Acār] sẽ “jap inư akhar” (đọc to bảng chữ cái) vào lỗ tai ông ba bận: đọc xuôi đọc ngược, để xóa mù ông trước khi cho ông đến gặp ông bà. Hỏi, có dân tộc nào xóa mù cho người chết không?

Cham có chữ viết bản địa từ rất sớm, ngay thế kỉ IV, bia Đông Yên Châu thuộc hệ thống bia Mỹ Sơn ghi nhận vụ đó. Qua quá trình cải biến và phát triển, đến thế kỉ XVII, Akhar thrah – chữ truyền thống hình thành.

Cham chép, chứ không in chữ. Chép kéo dài đến tận cuối thế kỉ XX vẫn còn cặm cụi. Chép, kẻ yêu chữ mới tiếp xúc trực tiếp với chữ, thở hơi thở của chữ.

Thế nên, các sáng tác luôn chịu khuyết danh, bởi với Cham, kẻ chép sách ra mòi quan trọng hơn người viết sách. Tên ông được ghi trang trọng dưới mỗi tác phẩm, chớ tác giả thì không!

Một nông dân chân lấm tay bùn như cha tôi, sau ngày cày cuốc nhọc mệt, tối về vẫn mở sách (pơh tapuk) ngâm vài trang sử thi, mới đi ngủ.

Chữ được Cham đồng hóa với tri thức. Dwah akhar cek di rūp: tìm chữ cất trong mình. Đụng chuyện không biết, ông chạy u về nhà blơk akhar (mở sách). Kẹt nỗi chữ này lại đồng âm với blơk khan (vén váy). Thế lại hay!

“Chữ” được chép trên lá buông hay giấy bản Tàu, cất trong ciêt (hòm rương đan bằng tre lát) treo lên sà nhà. Mỗi tháng Cham làm lễ đơn sơ, mời chữ xuống, mang chữ ra phơi nắng, rồi cất lại.

Chữ lâu ngày không được đụng đến gọi là chữ hoang (Akhar bhao), rất nguy hại cho khổ chủ. Không ít gia đình nửa đêm đã phải mời chữ xuống, mang ra sông thả trôi về biển.

 

Không biết dùng chữ (Bbang akhar) thì bị chữ hành (Akhar bbang). Cham có:

Akhar di hayap: chữ trên bia đá, nói chung.

Akhar rik: chữ cổ, chữ thánh, lối viết hoa.

Akhar yôk: chữ bí ẩn, lối viết thay dấu âm bằng chữ cái.

Akhar tôr: chữ treo, lối viết tắt.

Akhar galimưng: chữ con nhện, lối viết tháu.

Akhar thrah: chữ thẳng, chữ thông dụng, lối viết thường dùng.

Akhar mưtai: chữ chết, lối viết kéo dài chữ cái dùng làm phụ âm cuối của từ.

Ngoài ra, akhar còn kết hợp với vài từ khác để tạo từ ghép như: Akhar xarak: chữ viết nói chung, Akhar tapang: chữ gốc, sách cổ, bản gốc, Akhar tapuk: chữ nghĩa, kiến thức… Nên có vụ Cham giấu chữ (padaup akhar), giấu chữ dẫn đến cãi chữ.

 

Cãi là tốt, đáng vỗ tay lắm lắm. Thế nhưng cãi để nổ ra “chiến trường Akhar thrah” đến nhễ nhại mồ hôi mồ kê tan đàn xẻ nghé như mươi năm qua, phải nói rất đáng đăng kí ghi-nét thế giới. Dẫu sao, chính chiến trường đó lần nữa đánh thức sinh linh Cham đang tứ tán khắp nơi biết là:

Akhar thrah vẫn đang sống sót.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *