Nghỉ xả hơi-11. QUYỀN LÀM THƠ D[Ơ]Ở

1. Làm thơ, ai mà chả phấn đấu làm cho hay, hoặc cố nổ rằng thơ ta hay. Lạ, ít khi ta chịu hỏi: Thế nào là thơ hay?
Ba bạn trẻ ngồi lai rai quán chiều. Hai người thơ cùng làm thơ tự do cãi nhau về vụ thơ tao hay thơ mầy dở. Tranh đến quên luôn đứa bạn không làm thơ chung bàn đang ngồi như trời đặt. Tranh cãi mà không đặt trên nền nào thì cần đến mấy thùng bia mới xong, hả Bà Trời?
Sau đó bạn trẻ không làm thơ đến gặp tôi hỏi, làm sao biết thơ hay với không hay; bởi cả hai bài câu cú lổn ngổn như nhau, không vần vè, không êm tai… hệt nhau. Tôi nói, khó chi mà khó.

2. Thơ dẫu là loài vô bằng cỡ nào, không phải là không thể [lôi nhau ra tòa] phân xử. Này nhé, bạn có thể truy:
– cấu trúc bài thơ kia khác lạ tới đâu;
– ngôn từ và thi ảnh mới mẻ cỡ nào;
– tứ thơ độc đáo ra sao;
– và cuối cùng toàn bài thơ có làm lay động [con tim/ khối óc] bạn không?
Hay mà không sáo, không sến mới là hay thứ thiệt.
Chẳng hạn thơ về tháp (cùng đề tài), người thơ đều cảm nhận về nỗi cô độc, tàn tạ của tháp (cùng tâm cảm); chỉ cần ít khả năng thơ, ai cũng có thể làm nên bài thơ về tháp Chàm gọi là đọc được. Tuy thế để có thơ hay thì cần đến tài năng đặc biệt. Tài năng được đo đếm bằng mấy yếu tố cụ thể như vừa kể.

Rồi ngày qua đi, qua đi… xuất hiện khối nhà thơ quyết làm thơ… dở.

3. Thơ dở thì,
Không cần trương nở vang vang như Nguyễn Quang Thiều;
Không cần tế vi & sang trọng như Mai Văn Phấn;
Cũng chả cần đóng thùng “Đi – như là ở lại” như Inrasara;
Mà phải “quái chiêu” như tuyên bố của Bùi Chát;
Phải “giễu nhại hơn nữa” như đề xuất của Lê Vĩnh Tài;
Phải viết sao cho nhà thơ chủ tịch đọc say sưa thơ mình như Lý Đợi;
Nghĩa là giành “quyền làm thơ dở” như đòi hỏi chánh đáng của Nguyễn Hoàng Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *