Thích triết thì yêu kinh, là lẽ thường.
Hồi lớp Đệ Tam Pô-Klong, có đoàn truyền giáo Tin Lành, sau đó là Khổng giáo đến trường nói chuyện với đám chúng tôi. Bên Khổng thì không thấy gì, riêng Tin Lành, họ phát không cho học sinh Cham Kinh Thánh Tân ước loại khổ nhỏ in trên giấy đẹp.
Lúc đó mấy đứa bạn học tôi có qua nhà thờ Tin Lành ở Phan Rang nghe đạo với ăn bánh, chứ Kinh Thánh thì họ… vứt. Vứt, để tôi nhặt và cất khoảng dăm cuốn.
Từ đó tôi mê Kinh Thánh.
Từ mê Kinh Thánh, tôi tìm mua Nho giáo của Trần Trọng Kim, cũng thích luôn. Thích thôi, chứ không mê. Như tôi thích Đạo Đức kinh, Nam Hoa kinh, hay sau này Kinh Coran vậy. Tôi đọc không quá ba lần.
Kinh Coran thì mãi sau tôi mới đọc được qua bản dịch của một vị Cham: Từ Công Thu. Hiện tôi có 3 cuốn, cả ba đều được tặng. Tôi đọc để hiểu, vì một bộ phận lớn bà con tôi theo Islam – hiểu và thích, chứ chưa mê.
Mê, phải nói ngoài Kinh Thánh và Kinh Bà-la-môn ra, là Kinh Phật.
Vào Sài Gòn làm sinh viên, tôi lang thang qua các chùa “thỉnh” Kinh. Mê, và say. Nếu Kinh Bà-la-môn ẩn chứa triết lí cao siêu, thì Kinh Phật gồm thâu cả trời đất, người ngợm và vũ trụ muôn vạn kiếp; con Kinh Thánh thì nhiều đoạn đầy chất thơ. Tôi mê, đọc, và thuộc nằm lòng.
Nói qua duyên nợ với Kinh Thánh. Ôm cả 5 cuốn về quê cất kĩ, để sau “cách mạng”, qua trận truy quét văn hóa đồi trụy phản động, nó vét hết của tôi. Mãi hai năm sau tôi mới mua lại bản khác ở vỉa hè Sài Gòn. Rồi năm 1999, ông bạn người Hàn Quốc tặng tôi một bản tiếng Việt + tiếng Anh + một hộp sâm Hàn khô [ông nói giá trị đến lạng vàng]. Rồi chị Phú Thị Mận [cùng họ Phú với tôi] tặng tôi nhiều dị bản cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt khác nhau.
Và tôi dịch. Đã xong từ năm 2010, đọc lại thấy ẹ quá, tôi ném đi, dịch lại lần hai. Có thể hết quý I sang năm là kết.
Sau đó tôi công phá tiếp vào thế giới Kinh Bà-la-môn.
Dịch vì vui, và biết đâu nó có ích cho sinh linh Cham nào đó.