Picasso nói: Tài năng thì sáng tạo, thiên tài thì ăn cắp; Xuân Diệu thêm: Đánh cắp & biết phi tang (ghi theo trí nhớ, chưa kiểm tra lại).
Thơ – tôi đã học, ảnh hưởng, chôm chỉa & phi tang thế nào?
1. Ảnh hưởng tệ nhất
Chính là bài “Khuôn mặt” (viết 1997, in trong Hành Hương Em, 1999). Đây:
“Ba khuôn mặt như mùa xuân tạc
Mùa xuân ấy xa xôi
Rồi đi – cuốn dòng đời
Mười năm
Mặt chảy màu bơ mật
Mặt cháy mùi than
Mặt ủ mầm ẩm mốc
Khuôn mặt nào
Còn đọng chút trời xuân?”
Mấy năm trước tôi mê Hoàng Hưng, bị nhiễm lúc nào không biết. “Khuôn mặt” chính là đứa em út của “Tam ca buồn” (trong Người Đi Tìm Mặt, 1993). Đứa em dở tệ. Nguyên văn HH:
“Đám cưới ngày mưa dưới cánh B52
Bản tam ca bồn chồn dự cảm
Ba giọng ca ngày ấy
Giọng tắt giữa thanh xuân
Giọng biệt xứ
Giọng chìm áo cơm
Ba giọng ca buồn
Giọng nào buồn hơn…”
Trước đó là bài “Trên bước chân cô độc” (trong Tháp Nắng, 1996) chịu ảnh hưởng nặng thơ siêu thực miền Nam: dở [vậy mà ở Đại Lải nhà thơ Trần Ninh Hồ khen nó rất khá]. Rồi bài “Những nẻo đường bỏ quên” (trong Sinh Nhật Cây Xương Rồng, 1997), rất nhuyễn, nhưng lại hằn đậm dấu vết từ tứ một bài thơ của Rilke [qua bản dịch của Phạm Công Thiện].
2. Chôm, Học & Phi tang
“Kẻ Canh Đêm” (trong Sinh Nhật Cây Xương Rồng, 1997), là chữ tôi chôm của Henry Miller, làm thành thơ mình. Bài thơ 12 khổ, đọc rất được. Ý này ám tôi đến nỗi tôi trở đi trở lại vài lần. Tương đồng với nó là “kẻ canh giữ ngôn ngữ” của Heidegger, hay hình ảnh một đại đội bị bỏ quên sau khi chiến tranh kết thúc: họ vẫn đứng canh ngọn đồi.
Đọc “Đồng dao cho người lớn”, nhận thấy có kĩ thuật lạ và tài hoa, vậy là tôi… học. Của Nguyễn Trọng Tạo:
“Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió”
Dĩ nhiên, do học chủ động, nên tôi khéo “phi tang” nó ở đoạn cuối trong bài thơ khá dài “Đứa con của Đất” [và chỉ ở 2 câu]:
Lại xanh trong tôi – dù rừng đã cháy
lại chảy trong tôi – dù sông đã chết
chợt hanh lại cát – chợt buồn lại ru
chợt duyên lại em – chợt hoang lại tháp
Giọng mẹ xa vời dỗ giấc thiên thu.
3. Ảnh hưởng sáng tạo
Cũng trong tập Sinh Nhật Cây Xương Rồng, bài thơ xuôi “Truyền thuyết về ngôi nhà”, tôi học kĩ thuật từ tác giả [tôi quên tên] bài thơ có câu đầu “Trưa nằm nghe núi gọi đồi” [tôi đưa ra ở Status: “Tìm tác giả thơ”] và Nguyễn Quang Thiều.
Cuối cùng là bài “Tháp hoang” (trong Tháp Nắng, 1996), cũng là một “ảnh hưởng sáng tạo”. Bài này tôi được gợi hứng từ nhịp điệu bài “Người về” của Hoàng Hưng, tuy thế dấu vết của bản gốc hoàn toàn mất tích.
KẾT.
Không có cái gì nảy sinh từ hư vô cả. Viết, ta luôn tiếp nhận/ phản ứng lại người đi trước. Điều thiết yếu, làm sao phi tang, khác đi – làm sao sáng tạo?
Nguyễn Hữu Hồng Minh 2 bận cho tôi biết, bài thơ “Lổ thủng lịch sử” nổi tiếng [và tai tiếng] của anh nhận ảnh hưởng từ bài “Sinh chỉ 1 lần” (trong Lễ Tẩy Trần Tháng Tư, 2002) của tôi. Đọc, tôi không nhận ra dấu vết Inrasara ở đó. Nếu đúng như anh nhận, thì tôi cho đó là HM đã biết “sáng tạo”.
PC. Trường hợp ăn cắp
Ăn cắp văn thì nhiều, nhưng với tác giả đã có chút ít tiếng tăm, là điều hiếm, bởi không ai muốn thế cả. Thường thì họ “ăn cắp” một cách vô thức. Mê và nhiễm, rồi viết ra giông giống thành… ăn cắp. Đọc, thích, ghi chú bỏ đó; lâu ngày rồi quên cứ tưởng nó là của mình, thành ăn cắp. Có trường hợp, ít hơn, trực tiếp mượn nhưng không khéo phi tang, thành ăn cắp.
Câu nói thời danh của Nguyễn Hưng Quốc cũng cần trích ra ở đây để tham khảo, và cảnh giác: Nghệ sĩ cần biết nhiều, biết để… tránh.
Phụ lục
THÁP HOANG
Tháp hoang
như thình lình mọc lên từ đất
lông lá – âm u – dọa nạt
Tháp hoang
nổi cộm giữa chiều trời ma quái
ung nhọt trên làn da mềm mại
thảm rừng già xanh
Tháp hoang
đột ngột xô tôi về đối mặt
quá khứ
lao xao bầy dơi đen
Tháp hoang
người bỏ rơi – lịch sử bỏ quên
bước chân thời gian thì nhớ
Tháp hoang
như quen thân – như xa lạ
hồn người xưa vỗ dòng máu ứ
Mốt mai
khi bất chợt bác tiều phu nhớ
dân buôn lậu nhớ – nhà viết sử nhớ
hồn tháp đã bay xa”.
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG BỎ QUÊN
Có lẽ chỉ còn lại với ta
Những trận mưa trưa chết đỉnh đồi
Những ngọn gió ban mai khát lá
Những nẻo đường bỏ quên.
Trong cuộc lữ không cùng
Còn lại với ta
Lời thi sĩ vô danh đã mất
Run rẩy tự tình với hư vô.
Còn lại với ta
Những xanh nõn giấc mơ chợt rụng
Những tiếng nói ngàn năm câm lặng
Những bài ca không hát bao giờ
Có lẽ sẽ còn lại với ta.
Comment.
Tôi thấy các bạn bàn luận lịch sự và vui, có nảy ra vài ý hay. Xin góp lời:
– “Ăn cắp” là không thể tránh. Nguyễn Du ăn cắp đến các tác giả nếu tái sinh cũng phải bái phục và cảm ơn: đó gọi là ăn cắp cái dở để làm nên cái hay hơn
– Tôi mới đọc một tác phẩm hẳn hoi truy Heidegger ăn cắp tư tưởng Đông phương mà “giấu” nguồn. Thế mà ông được cho là 1 trong 2 triết gia vĩ đại nhất tk XX. Tôi nghĩ nêu Lão Tử có sống lại cũng bái phục ông người Đức này. Tạm gọi là ăn cắp cái hay cũ để làm ra cái hay mới.
Cứ cho đó là ăn cắp rồi phi tang, hay ảnh hưởng sáng tạo, dùng chữ nào cũng được.
– Còn ăn cắp thô, được chia làm có 2 loại. 1. Ngoài ăn cắp như là ăn cắp, gọi là đạo văn, ta còn có 2. Ăn cắp dở tệ. Như Sara đã làm với “Tam ca buồn” của HH. Nếu HH đọc phải nó chắc cười thôi [cũng như tôi đã cười về 1 nữ thi sĩ lấy của Sara đến 70%, mà dở tệ: từ thi ảnh đến giọng điệu và cả nội dung luôn].
Kết. Vậy ăn cắp mà biết phi tang, sau đó mở lối đi riêng, là tối cần thiết với kẻ sáng tạo.
Karun các bạn.