Tia Sáng, 20-9-2016
Giải Sách Hay do Viện IRED và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh bảo trợ vừa được tổ chức tại phòng khánh tiết của khách sạn REX – TP Hồ Chí Minh vào sáng ngày 18-9. Đây đã là năm thứ 6 của giải thưởng dân sự này.
Độc giả và người yêu sách ngồi đầy khán phòng sang trọng với khoảng 200 ghế ngồi, đủ nói lên sức hấp dẫn của Giải Sách Hay – giải thưởng được xem là công tâm và uy tín nhất hiện nay. Không có vụ lùm xùm trước và sau khi Giải được công bố, càng không có lời đàm tiếu về những tiêu cực này nọ. Bởi phong cách và quá trình xét giải là “hồn nhiên, công tâm và vô tư; các thành viên làm việc độc lập tuyệt đối” (lời Bùi Văn Nam Sơn).
Cũng như mọi năm, tinh thần của Giải Sách Hay là “mỗi cuốn sách là một thông điệp”. Vậy đâu là những thông điệp mới của năm nay?
1. Nếu ở hạng mục sách Thiếu nhi, là bộ sách ba tập của Nguyên Hương: Đồ thông minh ngốc xít, Cổ tích mới và Cô gái lơ lửng gây ngạc nhiên thú vị, thì ở hạng mục sách Văn học, Lâu Đài của Franz Kafka do Trương Đăng Dung dịch, và Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái được xướng tên, là một tái khẳng định giá trị tác phẩm cũ nhưng vẫn mang tính thời sự. Franz Kafka được xem là tiểu thuyết gia gây ảnh hưởng lớn nhất của thế kỉ XX, nhất là với các tác giả lớn. Rất nhiều nhà văn trên thế giới tự nhận chịu ảnh hưởng từ ông.
Ở hạng mục sách Kinh tế được chọn để vinh danh, có: Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam của Trần Văn Thọ, và Hiểu nghèo để thoát nghèo. Cách mạng tư duy để thoát nghèo trên thế giới của Abhijitt V. Banerjee & Esther Duflo do Nguyễn Lê Ngọc Bảo dịch; còn ở hạng mục sách Quản trị, là Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế của Inamori Kazuo qua bản dịch của Nguyễn Đỗ An Nhiên; riêng sách viết, cuốn Một đời thương thuyết của Phan Văn Trường đoạt Giải.
Ở hạng mục Phát hiện mới thuộc về 3 tác phẩm, gồm: Những thiếu thời lơ lửng của tác giả trẻ Hạnh Nguyên mới bước qua tuổi hai mươi. Cuốn thứ hai là Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan do Nguyễn Vân Hà dịch; đây được xem là tác phẩm đặt nền móng chó phong trào nữ quyền thứ hai. Và cuối cùng là Cuộc cách mạng một cọng rơm của Masanobu Fukuoka do Nhóm XanhShop dịch; điều lạ ở đây là tác phẩm kì lạ này đoạt cả giải bên hạng mục Phát hiện mới lẫn hạng mục “Người trẻ chọn sách cho người trẻ” là hạng mục mới. Và như tên gọi của nó, ở hạng mục này chính người trẻ giới thiệu và chọn sách cho vừa phát sinh trong năm nay. Ngoài Cuộc cách mạng một cọng rơm, 5 tác phẩm được xướng tên có tiểu thuyết nổi tiếng Bắt trẻ đồng xanh của Jerome David Salinger do Phùng Khánh dịch, Walden – một mình sống trong rừng của Henry David Thoreau qua bản tiếng Việt của Hiếu Tân, Khuyến học của Fukuzawwa do Phạm Hữu Lợi dịch, Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì của Samuel Smiles qua bản dịch của Phạm Viêm Phương và Thư Trung, và Tôi tự học của Thu Giang Nguyễn Duy Cần là tác phẩm duy nhất được viết bằng tiếng Việt nhận Giải.
Ở hạng mục sách Nghiên cứu năm nay, giải thưởng sách dịch thuộc về Hiện tương con người – một công trình của tác giả Pháp Pierre Teilhard de Chardin qua bản dịch của Đặng Xuân Thảo; đặc biệt sách viết là công trình Văn minh vật chất của người Việt của Phan Cẩm Thượng nhận giải là một sự kiện đặc biệt.
Ở hạng mục sách Giáo dục, sách dịch được trao cho Sự ra đời trí khôn ở trẻ em của Jean Piaget do Hoàng Hưng dịch; bên sách viết đoạt giải là cuốn Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn của Nguyễn Văn Trọng – một tác giả ba lần giành Giải Sách Hay sau 6 kì, là điều rất hi hữu. Câu hỏi đặt ra: Hay vị giáo sư này hợp gu với Hội đồng Giám khảo Giải Sách Hay? – Chắc chắn là không rồi! Trong diễn từ của mình, Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh, người Việt [cả bộ phận lớn thế giới ngoài kia] đã hiểu quá sai về “tự do”, kiểu tự do là muốn làm gì thì làm. Ông cũng từng hiểu lệch lạc như vậy, thế nên viết và dịch về “tự do” là ông muốn điều chỉnh “sự ngu dốt về tự do” của chính mình. Trong khi hàm nghĩa của tự do – theo cách hiểu của ông – nằm ở hai hướng: Hướng tiêu cực, tự do đòi hỏi mọi người tôn trọng khoảng không gian riêng tư, tôn trọng cái khác của người khác; còn hướng tích cực, đó là: quyền tự do lựa chọn cứu cánh của cuộc đời cá nhân. Nhưng ở khắp nơi trên thế giới, người ta cứ [vô tình hay cố ý] vi phạm, thế nên “tự do” là khát khao muôn thuở của con người, luôn là đề tài nóng, không chỉ của hôm nay.
2. Sáng tạo văn chương Việt Nam vẫn có nhiều cái đáng đọc, chứ không như ý kiến chung chung và phiến diện, rằng văn học Việt Nam có mặt bằng mà không có đỉnh cao, văn thơ tiếng Việt mươi năm qua vẫn cứ nhàn nhạt, khiến độc giả xa lánh.
Về văn học, Giải Sách Hay phát hiện một khuôn mặt lạ hoắc: Hạnh Nguyên qua tác phẩm đầu tay, tập 11 truyện ngắn với vài tản văn: Những thiếu thời lơ lửng do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2014. Tuổi trẻ cô đơn, tuổi trẻ băn khoăn, tuổi trẻ lơ lửng không được hiểu và sẻ chia bởi những người lớn xung quanh, bên cạnh, thậm chí người lớn gần gũi nhất. Hạnh Nguyên viết về những ưu tư của chính mình, qua đó vô tình nói thay cho thế hệ mình bao nỗi ấy bằng giọng văn lạ lẫm, gây nhiều suy nghĩ nơi người đọc. Cả người lớn lẫn tuổi trẻ. “Mười bảy tuổi là một quãng đáng sợ. Nó chông chênh và ngấp nghé trước cái lằn ranh của sự trưởng thành. Trưởng thành là một điều khác biệt. Đôi khi tôi thực sự tin tôi sẽ không sống đến tuổi mười tám. Nhưng lúc này thì tôi rõ là vẫn ở đây. Tôi đã từng tưởng tượng về cái chết của chính mình. Điều buồn cười là, trong cái tưởng tượng của tôi, cửa phòng luôn mở và chưa bao giờ tôi chết hẳn” (“Một thế giới”).
… và một khuôn mặt quen thuộc, nhưng luôn gây bất ngờ: Hồ Anh Thái.
Hồ Anh Thái bắt đầu chấp bút viết Cõi người rung chuông tận thế vào năm 1996; tác phẩm in lần đầu năm 2002 sau đó được vài nhà xuất bản tải bản nhiều lần, là thành công lớn của nhà văn này. Tiếc, tiểu thuyết đã không được vinh danh bằng giải thưởng nào, dù nó rất xứng đáng. Giải Sách Hay năm 2016 xướng tên nó, là một ghi nhận, dẫu muộn màng. Tiểu thuyết chạm đến đề tài muôn thuở của cõi người: tội ác và hình phạt. Khi cái xấu ác đang tràn lan xã hội hôm nay, thông điệp của Cõi người rung chuông tận thế cần được biết đến hơn bao giờ. Rằng, dù cái xấu ác luôn có mặt và thao túng cõi người, tuy thế cái xấu ác không thể tiêu trừ bằng sự trừng phạt như thể “an eye for an eye”, mà bằng lòng nhân từ bao dung. Dù sự bao dung luôn phải nhận về mình phần thiệt thòi, nhưng ở trong thẳm sâu của Cõi người, niềm tin vào lòng hướng thiện của con người luôn có mặt, sẵn sàng thể hiện sức mạnh ưu thắng của mình.
3. Thường thì lịch sử một đất nước luôn được nhìn qua các biến cố lớn, những cột mốc lịch sử quan trong; sử gia là người ghi nhận những biến cố, cột mốc đó với nhận định riêng. Lịch sử bị đồng hóa với biên niên sử bằng những chuyển động, chuyển đổi ở cấp độ thượng tầng xã hội, ở đó vua chúa và quan lại triều đình đóng vai chính. Nhưng lẽ nào lịch sử một đất nước chỉ thuần là lịch sử chiến tranh với những cuộc tranh giành quyền lực nội bộ hay với ngoại bang? Vậy đâu là vai trò của quần chúng nhân dân?
Nhận thấy sự thiếu khuyết mang tính phân biệt đó, không ít sử gia đã đi theo chiều hướng khác: Lịch sử quốc gia được nhìn qua lăng kính của sự phát triển nghệ thuật. Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc hay hội họa; cả lịch sử văn học như là sự phát triển tinh thần của một dân tộc. Không đáng sao? Dẫu sao, dù là một họa sĩ thời danh, Phan Cẩm Thượng có cái nhìn thoáng hơn, ông nhận định “nghệ thuật là thứ sang trọng, còn hàng ngày, đời thường, dân thường cũng có vị thế nhất định trong lịch sử như một văn minh sống động mà ta không hay nhắc tới” (trang 21).
Phan Cẩm Thượng qua công trình tâm đắc của mình ý định bổ sung sự thiếu khuyết đó. Văn minh vật chất của người Việt (nhà xuất bản Tri thức, tái bản lần thứ 6, 2016) kể câu chuyện về đồ vật do con người tạo ra, làm thành thế giới vật chất, qua đó người Việt tự soi mình để thấy cái hay/ dở, đẹp/ xấu, tiến bộ/ lạc hậu, để – như Bùi Văn nam Sơn nói – người Việt hiểu mình hơn, cảm thông và yêu thương dân tộc mình nhiều hơn.
Đó là ý tưởng lạ, “một cuốn sách lạ” (từ dùng của họa sĩ Nguyễn Quân) chưa ai từng làm trước đó. Suốt công trình dày 664 trang khổ 18x24cm, Phan Cẩm Thượng dẫn dắt độc giả đi vào cuộc hành trình dài qua các thời kì lịch sử những sáng tạo vật chất của người Việt: Từ xe cộ và thuyền bè đến chày và cối, từ đồ dùng mây tre đan đến đồ gốm và kim khí trong đời sống thường ngày, từ ngô khoai sắn đến “cơm tẻ là mẹ ruột”, từ đồ trang sức đến đồ thờ tự đơn sơ… và cả “ngôn ngữ liên quan đến đời sống vật chất” cũng được bàn đến một cách thú vị. Tất tần tật những gì lâu nay ta cho là bình thường, những sản vật nằm ngoài vùng tinh túy để tiến vua, những đồ dùng được người nông dân Việt Nam sử dụng hằng ngày, dùng rồi hư mất bị bỏ đi, và biến mất vô tăm tích dưới bánh xe lịch sử và kí ức cộng đồng được tái hiện sinh động.
Lịch sử [coi sinh mệnh quần chúng như “rơm chó”] bất công đã đành, nhà viết sử lâu nay cũng quá bất công với công sức của số đông quần chúng, khi “không đếm xỉa” tới những đóng góp của họ. Trong khi chính những vật dụng thường ngày đó mới mang hơi thở đời sống của một dân tộc. Nó chấp nhận làm nền đất vô danh cho những tác phẩm nghệ thuật cao cấp sáng giá mọc lên, và tồn tại, để được lịch sử ghi nhận.
Phan Cẩm Thượng với Văn minh vật chất của người Việt đã làm sống dậy hơi thở thầm lặng bất tuyệt đó.