Đà Nẵng cuối tuần, 18-9-2016
Sau khi chinh phục Chiêm Thành năm 1471, vua Lê Thánh Tôn lập Quảng Nam Thừa tuyên đạo. Từ ngày “vâng mệnh vua để tuyên dụ đức hóa” trên vùng đất mới này, hai dân tộc Việt – Chăm với bản chất hiền hòa, nhờ “đức hóa” đã trở nên thuần hậu, cộng cư hòa thuận với nhau. Nơi hai bờ sông Cu Đê, trải qua hơn 500 năm lịch sử với nhiều biến động… người dân hai dân tộc đã cùng sống cùng ở, cùng làm ăn, cùng chia sẻ với nhau từng gian khó, cùng truyền cho nhau những kinh nghiệm sản xuất, nghề nghiệp ruộng đồng sông biển cho cuộc sinh tồn. Họ hòa nhập rồi hòa tan vào nhau một cách tự nhiên trong tôn thờ tín ngưỡng tâm linh của nhau không một chút mặc cảm khi kính mộ những thần linh ngoại lai…
Những tên động cổ của người Chăm tồn tại song song với địa danh làng Việt ở hai bên bờ sông Cu Đê từ thượng nguồn ra đến cửa biển đến tận ngày nay.
Cụ Nguyễn Châu (tục gọi Châu Cao) 80 tuổi, người làng Trường Định (nay thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), theo nghề khai thác gỗ cùng cha xuôi ngược dòng Cu Đê từ năm 13 – 14 tuổi, cho biết: Hồi nhỏ, tui theo cha qua khỏi làng Nam Yên là tới Bầu Bàng, vượt qua “Nà 9 Mẫu”, vào chân núi khai thác gỗ. Trước khi hạ một cây, cha tui phải soạn lễ vật xin phép, trong lời vái xin có tuyên tên Trà Nô, Trà Nệp xứ. Cha tui giải thích, Trà Nô, Trà Nệp xưa là đất của người Đê, ông bà ta truyền vậy. Tui hỏi, người Đê có phải người Chiêm Thành? Cha bảo, ừ.
Tra sách Phủ biên Tạp lục (bản dịch Viện Sử học, NXB Văn hóa – Thông tin, 2007, trang 157) của Lê Quý Đôn thì “…tục gọi Đê là người Chiêm, Man là người Mọi”. Vậy Trà Nô, Trà Nệp là động của người Chăm (Chiêm) cổ rồi, thêm yếu tố “Trà” nữa. Đáng tin!
Trà Nô, Trà Nệp có “Nà 9 Mẫu” rộng thênh, dân cư thưa thớt sống trên đất đai màu mỡ, đậu bắp mẩy hạt, cây cối tốt tươi, lúa gieo trĩu hạt. Ông Châu cho biết, những năm 50 – 60 của thế kỷ XX, chợ Nam Ô ở cuối nguồn sông Cu Đê đầy ắp các nông sản từ Trà Nô, Trà Nệp tràn về, khách thương tranh mua phân phối đi khắp nơi.
Trà Nô, Trà Nệp là những “bạn nguồn” trong ca dao xưa đã lắng nghe lời tình nghĩa: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên” chăng?
Cụ Châu lại chỉ tay về bờ nam sông Cu Đê, nói tiếp: Đó là Cô Hôn, trước cũng Trà… của người Đê đó. Trà Nưng! Nơi trồng thuốc lá nổi tiếng. Với thổ nhưỡng đặc biệt, thuốc lá trồng trên đất này có lá mở rộng to bản, là loại thuốc “đẫy” (chất lượng tốt) có chất phấn bột trên lá mìn mịn bám tay, không bị sâu rầy, năng suất cao vì mỗi cây có nhiều nút lá hơn nơi khác, mùi thơm vị đậm đà rất thích hợp cho các lão nông quấn một điếu to như ngón chân cái bặp bặp.
Những năm 60 của thế kỷ XX, lúc còn trẻ con, người viết đã nghe đến địa danh này, không phải vì nghiện thuốc lá mà vì nghe người ta chê một ai đó “quê mùa” thường bĩu môi bảo: “Đồ thuốc lá Trà Nưng!”. Bây giờ lại biết thêm Trà Nưng nằm tuốt trên thượng nguồn sông Cu Đê, thời trước là “vùng sâu vùng xa”. “Quê mùa” vì đất trồng thuốc lá này cách xa đô thị văn minh chăng?
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, người Đại Lộc lại ra lại đất này trồng thuốc lá, để thuốc lá Trà Nưng là lựa chọn của người ghiền mà không gợi lên những điều chê bai nữa.
Ông Châu cho biết, dưới bờ sông trước kia có cái miễu Bà Giàng, linh lắm đối với đò giang xuôi ngược, bây giờ đã bị cuốn trôi như tên gọi Trà Nưng không còn nhắc.
Và động Trà Ngâm, đến bây giờ người ta vẫn gọi thế. Động Trà Ngâm là một thung lũng nằm ở bờ bắc sông cuối làng Trường Định, ngày xưa thuộc xã Cu Đê. Động Trà Ngâm rất thích hợp cho loài tôm sinh sản, bởi từ đây đến cửa sông chỉ 4 – 5km. Sự xâm nhập mặn từ biển xảy ra thường xuyên theo thủy triều lên xuống đã thành nước lợ tự nhiên. Ngày nay, các hộ dân trong làng lợi dụng lợi thế này đã phân ô, đào ao nuôi tôm nước lợ, thu hoạch năng suất cao đã được đài truyền hình địa phương đưa hình thực tế lên sóng. Quả như câu ca xưa: “Trời cho cây lụt hội ni/ Trà Ngâm tôm nhảy, Trà Bì cá đua”. Trời làm bão lụt thì ở Trà Ngâm tôm nhảy lên bờ, còn ở Tra Bì thì cá đua cùng sóng.
Trà Bì ở đâu? Trà Bì ở bờ nam cửa sông Cu Đê, là Nam Ô ngày nay đó!
Nam Ô là làng biển lâu đời, theo lời ngoa truyền, nghề nghiệp ở đây đã được người Chăm “chuyển giao công nghệ”.
Dấu tích cộng cư Chăm – Việt còn sót lại khá nhiều. Có đến 8 cái giếng ghép bằng đá hình vuông rõ nét “tạc tỉnh” (đào giếng) của người Chăm. Trong số đó 2 cái đã được cải tạo, 2 cái bị chôn vùi vì mở đường Nguyễn Lương Bằng và phá bỏ làm nhà, còn lại 4 giếng vẫn còn sử dụng. Trải qua mấy trăm năm giếng nước vẫn trong lành, mát vào hè, ấm vào mùa đông. Chứng tỏ thời xa xưa người Chăm quần tụ khá đông đúc trên một làng sát biển rộng chưa đến 1km2.
Còn đó một tháp Trà Bì có chỉ danh khảo cổ là tháp Xuân Dương đã sụp đổ, chỉ còn thấy những hộp đá bệ thờ và gạch Chăm vương vãi trên mặt đất. Chỉ còn câu thành ngữ ngọng nghịu diễn tả sự rối rắm được các bô lào trong làng nhớ và lặp lại: “Liên xiên xấp xí loạn xị xà bì”. Nguyên câu này là: “Huyên thiên xích xí, loạn xạ Trà Bì” (Rợp trời cờ đỏ, bắn loạn ở Trà Bì) của thời xa xưa mà người ta cho là có xuất xứ từ đây.
Và, còn… một miếu Bà Giàng Trà Bì ở bên núi cuối cửa sông Cu Đê vẫn còn nguyên hương khói.
Kể ra 5 địa danh Chăm cổ bên hai bờ sông Cu Đê, có tên mờ tên tỏ. Những tên đất tên động của người chủ cũ sẽ mất đi theo thời gian bởi sự thay thế tất nhiên của các địa danh làng Việt.
Bây giờ mà bảo đến Trà Nô, Trà Nệp, Trà Nưng, Trà Bì thì sẽ chẳng biết ở đâu mà đến, nhưng bảo “cho tôi lên động Trà Ngâm” thì đò sẽ đưa đến bến.