Chuyện văn nghệ Việt Nam 11. TẠI SAO NHÀ VĂN VIỆT NAM SỢ ĐỨNG TRƯỚC CÔNG CHÚNG?

… một công chúng đích thực.
Chuẩn bị cho buổi nói chuyện ở Salon Cà phê Văn học tháng 9-2014: “Hiện thực đời sống và văn học Việt Nam đương đại”, tôi đã ướm thử hơn mươi nhà văn thuyết trình về chủ đề này, có đến 90% nhà thoái thác, đùn đẩy và, từ chối.
Có nhà than: Thôi Sara ơi, trao đổi với bằng hữu văn chương dăm ba người thì được, chớ ở hội trường, cho mình xin. Có nhà ban đầu hứa rất ngon lành, rốt cục kêu bận vào phút 90+1.
Tại sao?
Có mấy nguyên do, thậm chí chỉ cần mang trong mình một trong những vi-rut này, cũng đủ.
Nhà văn Việt Nam ít đọc nhau, càng ít đọc nhau có hệ thống nên ít ai nắm được toàn cảnh văn học đương đại nước nhà, nói e bị hố; mà nhà văn bị sai trước công chúng thì quê không biết cất vào đâu – ta ưa nghĩ thế.
Nhà văn Việt Nam thiếu lí thuyết, thế nên hiếm khi hệ thống được vấn đề đang bàn, thuyết sẽ rất lúng túng. Nhiều nhà thơ lên diễn đàn thuyết về thơ, nói ý trước ý sau đã lặp lại; rốt cùng xin đọc thơ, lại đọc thơ… mình.
Nhà văn Việt Nam không được đào tạo/ không quen đứng trước công chúng, sanh tâm lí e ngại. “Quan hệ công chúng”, nhà văn chỉ biết nói về mình và tác phẩm mình. Ngoài ra, không gì khác, không gì hơn.
Nữa, nhiều nhà văn Việt Nam không “thích” truyền đạt ý tưởng của mình bằng thuyết lí [trước công chúng], là nguyên do rất đáng kể. Nhà văn ta thoái thác bằng tuyên bố: “Tôi muốn lên tiếng bằng chính tác phẩm của tôi hơn”!
Cuối cùng, nhà văn Việt Nam sợ đối mặt với vấn đề thời sự hóc búa, ở đó họ phải đối mặt với các câu hỏi mà họ không thể, và không biết trả lời thế nào cho ổn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *