Kant là người đầu tiên nêu ra sự phân biệt có ảnh hưởng sâu rộng đến ngày nay. Kant phân biệt giáo điều, hoài nghi và phê phán (Phê phán lý tính thuần túy).
Người giáo điều nêu ra một khẳng định hay lập trường chắc như đinh đóng cột.
Chống lại khẳng quyết giáo điều ấy, ta có thể đề ra một khẳng quyết ngược lại, nhưng cũng không kém giáo điều. Nói một cách hình ảnh, trong cuộc ác chiến ấy, ta chọn đứng về một phe và hăng hái múa gươm xông vào trợ chiến! Thái độ hoài nghi thì đem hai lập trường tương phản ấy đối chiếu với nhau, kết luận rằng cả hai tuy tương phản nhưng đều là giáo điều cả, nên tốt hơn hết là không tin theo cái nào và “hoàn toàn bác bỏ mọi ý kiến về sự việc”.
Trong khi đó, thái độ phê phán thì khác! Nó không cho rằng mình “giỏi hơn” để có thể dạy bảo người khác, nghĩa là, thay vì cho rằng phe này, phe kia hoặc cả hai phe là “sai”, sự phê phán tập trung vào việc xem xét sự chứng minh của mỗi bên “có cơ sở” hay không (từ đâu và nhờ cái gì bạn đi đến khẳng định ấy? Bạn đã kiểm tra năng lực nhận thức của bạn chưa? v.v.) và kết luận rằng cả hai bên đều “không có cơ sở”, không thích đáng về mặt khoa học.
Trong cách hiểu này, ta thấy thái độ phê phán “khiêm tốn” hơn thái độ hoài nghi, nhưng, về mặt nhận thức và lập luận, lại “khó” hơn nhiều, đòi hỏi nhiều tri thức, nhất là về cung cách tư duy được Kant gọi bằng một thuật ngữ khá đặc biệt: “tư duy siêu nghiệm” (transzendental). “Siêu nghiệm” là biết giữ khoảng cách, nhưng thay vì để vươn lên cái siêu nhiên (gọi là “siêu việt”/transzendent), thì đi lùi lại để đặt câu hỏi cơ bản hơn về điều kiện khả thể của những mệnh đề, phát biểu, kinh nghiệm, quan niệm, ý tưởng v.v., tức về những điều kiện có trước kinh nghiệm.
(Bùi Văn Nam Sơn)