3. Cham học LS mình thế nào?
Cham biết lịch sử [của quá khứ, từ tk II-XVIII] của dân tộc là cần thiết, một khi công trình về lịch sử Champa chưa được phổ biến nhiều, và nhất là khi nó không được dạy trong nhà trường như là một thể thống nhất của LS Việt Nam. Tôi đã từng lên tiếng về vấn đề này, trên nhiều diễn đàn khác nhau. Ở RFA là một:
“Nếu ta giấu đi sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, khi ta giấu đi, thì chỉ thiệt hại cho ta thôi. Chẳng những ta không nhận diện được sự thật toàn vẹn của LS Việt Nam, mà ta còn lừa dối thế hệ trẻ, theo tôi đó là điều đáng tiếc”.
(RFA, 26-5-2015: “Cần nhìn lịch sử Champa một cách toàn vẹn hơn”
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nee-a-view-integra-ab-cham-his-05262015072610.html?searchterm:utf8:ustring=inrasara).
Thế nhưng lịch sử Cham không chỉ có những vụ ông vua kia đã đại thắng ở đó hay ông tướng này vừa phế truất hoàng tử nọ vào năm ấy; không chỉ gồm chuyện cắt đất với cướp ngội, vân vân. Lịch sử không chỉ có thế. Do đó, bên cạnh đòi hỏi “sự thật về LS Champa” tôi còn có loạt bài “Bạn có yêu palei bạn không?” đăng nhiều kì trên Inrasara.com, 2012.
Yêu, tìm hiểu, suy ngẫm và thể hiện ra. Không phải như một thứ “địa dư chí”, mà là như một palei sống, với những phận người sống, của hôm qua và hôm nay.
Trên nền tảng tư tưởng hậu hiện đại đó [“Suy nghĩ lớn, toàn cục – hành động nhỏ, cục bộ”], tôi viết về palei Chakleng tôi, những con người sống trước hay đồng thời với tôi, ruột thịt và bằng hữu của tôi, những kỉ niệm của tôi về họ, và cả câu chuyện về cá nhân tôi – tôi như một sinh thể của Chakleng.
Hãy kể câu chuyện của mình, về mình một cách thành thật nhất có thể.
Viết [học & làm] lịch sử như thế không thú vị sao?
4. Hi[s]story
… Cứ kể câu chuyện của mình, về mình một cách thành thật nhất có thể.
Tôi đã kể câu chuyện của tôi. Tôi và lịch sử Champa. Tôi và Urang Cham. Tôi trong tương quan với tâm hồn con người Cham và tinh thần văn hóa Cham. Tôi và palei Chakleng. Cha và mẹ, chị Hám, anh Đạm, hay anh Hàm Bộ vô danh giữa trời đất. Những người đàn ông của tôi…
Henri Miller nói đại ý, đến lúc nào đó ông chỉ kể câu chuyện của ông, liên quan đến cá nhân ông, những người sống quanh ông, những điều mà ông biết, ông trải nghiệm… Chỉ có chúng là thật, tất cả còn lại chỉ là văn chương. “Mà tôi không thích văn chương”, ông cả quyết. Và ông kế, tất tần tật, cả những gì bị đời/ chính quyền cho là nhạy cảm, cấm kị. Sự thật trần trụi hay phóng đại, cả thành tích trên giường của ông, phơi bày tật xấu của mình hay tự ca tụng cũng không chừa. Kể một cách vui vẻ và khoái hoạt!
Tôi [muốn] giống ông, duy có cái khác ông là, không thể kể về chuyện tình của mình. Muốn, nhưng không thể. Kể thoải mái tình yêu và tình dục [là bộ phận thiết yếu của con người] đòi hỏi lượng ngôn từ kinh khủng. Nhà văn nào không làm chủ nổi chúng, sẽ thành thô thiển và lố bịch ngay từ dòng đầu tiên.
Đó chính là lịch sử. Một thứ lịch sử ngoại biên đầy tính “nhân văn” theo đúng phong cách hậu hiện đại. Có khi chúng còn phản ánh tinh thần con người thời đại nhiều hơn là thứ lịch sử được ghi chép theo kiểu biên niên với cả đống sự kiện to tát ở thượng tầng với bát ngát con số chính xác nữa.
Hãy tưởng tượng thời đại nào đó của đất nước nào đó không có nhà văn, không có người kể chuyện mà chỉ có sử gia làm việc. Có ghi chép thật đến đâu cũng quanh đi quẩn lại chuyện vua chúa [một nước hay giữa các nước] tranh nhau quyền lực, hư hỏng của quan lại, trụy lạc nơi khuê các, nghĩa là những gì diễn ra ở “trung tâm”, thượng tầng xã hội. Còn các nhà du hành phương xa có ghi là ghi lối ăn mặc, các lễ hội với ca múa nhạc xa lạ, thú vị hay kì quái dưới con mắt họ. Không gì khác. Chả thấy đâu thế giới ngoại biên với sinh phận “rơm rác” dưới đáy xã hội cùng những suy nghĩ và lo lắng khác, vui và buồn khác hơn…
Tại sao bạn không làm nhà văn của bạn, và thử kể câu chuyện của bạn đi?