1. Học LS kiểu Úc
Mươi năm trước, ở Việt Nam từng phát động chương trình uống bia kiểu Úc, nay ta thử xem học lịch sử kiểu Úc thế nào.
Nguyễn Thế Dương (Vietnamnet, 5-12-2015) kể:
“Thực ra, học lịch sử trong các trường tiểu học ở Úc chẳng có gì to tát. Các cháu học sinh lớp 1 và 2 không hề học một dòng nào về lịch sử đất nước cả.
Thay vào đó, chúng học lịch sử về bản thân và gia đình mình. Với học sinh tiểu học, lịch sử đơn giản chỉ là những chuỗi ngày tháng mà các cháu đã và đang trải nghiệm. Lịch sử cũng gắn liền với những vùng đất các cháu đã đi qua, những con người đương đại mà các cháu tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày.
Lịch sử nằm trong chính tay học sinh. Nhiệm vụ của giáo viên chỉ là kích hoạt và hướng dẫn để các cháu tự kể ra câu chuyện lịch sử của cuộc đời mình.”
Inrasara bình:
Úc không dạy trẻ con lịch sử to tát trừu tượng, mà là lịch sử nhỏ bé, cụ thể và gần gũi; không hướng tâm mà nhấn vào vùng ngoại vi, không là sử “chính thống” mà là sử đời thường, không là sử kí với dằng dịt con số mang tính áp đặt mà là câu chuyện tự kể của người trong cuộc…
Xưa chúng tôi học: “Em yêu gia đình, yêu học đường và yêu tổ quốc Việt Nam” (có thể tôi nhớ sai chút đỉnh, bạn nào chính xác hơn, xin chỉnh giùm).
Giải phóng về, trật tự ưu tiên bị đảo ngược. Các cháu tôi học: “Yêu tổ quốc – yêu đồng bào”…
Có trừu tượng và xa xôi diệu vợi lắm không?
2. Quan điểm của Cao Xuân Hoang
Trích Chân dung Cát (tiểu thuyết, 2006):
“… theo Cao Xuân Hoang, viết lịch sử mà chỉ đăm đắm vào vụ đánh nhau giết chóc là sai lầm đầy bảo thủ của các sử gia bấy lâu. Buôn bán, thương mãi đã chẳng làm nên lịch sử của nhiều nước? Thế các ngài sử gia khệnh khạng nghĩ sao về lịch sử phát triển đạo Phật hay Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á? Không thể vận dụng duy một hệ thống sử để viết lịch sử các nước. Lịch sử Champa nếu được nhìn/ viết qua các phong cách điêu khắc hoặc kiến trúc thì có hay hơn không?
… Nên khi nhà chuyên gia vĩ đại Yang Angin phát kiến rồi tuyên bố rằng Harơk Kah Dhei không đâu xa mà chỉ là một địa danh ở Phú Yên, còn Bal Angwei là tên khu vực nhỏ bé thuộc vùng đất Pandurangga. Tệ hại hơn Bal Batthinưng mà lâu nay Cham nghĩ đó phải là một thủ đô lớn lắm, vậy mà chuyên gia này cho đó chỉ là palei Xanưng tên làng Việt thuộc xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận của hôm nay! Thì Cao Xuân Hoang ba lần giập đầu xuống đất than trời sập rồi, lớp hậu sinh mất gốc phủi tay chối bỏ tinh thần ông bà rồi. Anh thề sẽ tìm đến tận kẻ phát minh học thuyết này một lần trong đời để thảo luận cho ra nhẽ.
Giai thoại hay huyền sử quan trọng hơn lịch sử là thế. Nó chính là “dòng suối tiềm ẩn bên trong” mang đầy ý nghĩa sử tính mà “chối đi con người cảm thấy thiếu cái gì và dân tộc sẽ thiếu mối dây ràng buộc thiêng liêng rồi đi tới chỗ băng hoại”.
Nói như thế không phải chúng ta từ chối sự truy tìm mang tính lịch sử-sự kiện mà chỉ chối bỏ “óc duy sử chỉ chấp nhận hiện tượng bên ngoài” mà không nhìn nhận những gì tồn tại ngoài nó.”