Hồ sơ Biên bản so sánh. Bài 5: TAM TẤU KHỞI ĐỘNG THƠ NỮ QUYỀN VIỆT

[Dư Thị Hoàn – Thảo Phương – Nguyễn Thị Hoàng Bắc]

1. Giữa trào lưu cách tân thơ Việt Nam thời Đổi mới, “Lối nhỏ” của Dư Thị Hoàn xuất hiện nhẹ nhàng và khiêm cung. Thế nhưng, ẩn dưới hình hài “nhỏ” kia là sức mạnh của sự phá vỡ. Bởi từ bỏ con đường lớn để đi vào lối nhỏ, một lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá hứa hẹn nhiều bất trắc, rất cần đến một sự dứt áo quyết liệt. Chối bỏ tinh thần tập thể từng một thời gian dài áp đặt lên suy nghĩ và hành động của công chúng, cái tinh thần “khi riêng tây, ta thấy mình xấu hổ” (thơ Chế Lan Viên) chi phối thơ và lối làm thơ của đại bộ phận người cầm bút, phải thật cá tính mới dũng cảm bước ra khỏi lối mòn, tự tin chọn lối đi riêng cho thơ mình. Sự chọn lựa mang nhiều rủi ro cũng là chọn lựa mở ra chân trời tự do cho một cá thể độc lập. Và chính sự chon lựa lối nhỏ đó đưa Dư Thị Hoàn vào đời, và bước lên thi đàn, sau đó.
Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ
Em thả bước chán chường
Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá
Gót chân em nện xuống dữ dằn

Có lối nhỏ vương cây xấu hổ
Em sợ nó khép cành

Biết làm sao bây giờ
Chính lối này đưa em tới anh…

(“Lối nhỏ”, Lối nhỏ, 1988)
Giữa nếp sống tập thể đó và lối thơ đồng bộ đó, “Lối nhỏ” đánh dấu bước khởi động phong trào thơ nữ quyền Việt, ít ra là ở miền Bắc.

2. Gần như xuất hiện cùng thời với Dư Thị Hoàn, ở miền Nam – Thảo Phương thì khác: mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Bài thơ “Người đàn bà và tấm khăn choàng” đoạt giải Ba cuộc thi thơ của báo Văn nghệ 1989-1990, tạo dư luận đáng kể. Chú ý: giải Ba, như thể một công nhận nửa vời. Như thể còn tiếc nuối loại thơ êm dịu, nhịp nhàng, cân đối; phải có cái gì đó mơ hồ, lãng đãng sương khói và… nên thơ. Ở đó, “Lối nhỏ” của Dư Thị Hoàn vẫn còn vướng víu. Từ bỏ quẩn quanh miền thân xác, khu vực giường chiếu và hàng rào ngôi nhà mình, với những em em anh anh, đề tài thơ Thảo Phương mở “xa” hơn, thi ảnh thơ cụ thể hơn, nhịp thơ gập ghềnh chông chênh hơn.

Đường đời chông chênh
Người đàn bà
choàng khăn
che dung nhan – đức hạnh
che tì vết – lỗi lầm
giấu đi làn hương dịu ngọt

Tấm khăn bập bùng cháy lửa
Tự do
Tự tin…
– Người đàn bà sinh ra không có tấm khăn choàng…
phải xấu
phải đẹp
và ai ném đá vào Nàng?
Đường đời chông chênh…!

– Người đàn bà sinh ra không có tấm khăn choàng…!
phải yêu
phải ghét
và ai quỳ hôn bàn chân Nàng
rớm máu
Đường đời chông chênh…

– Hỡi loài người bị đuổi khỏi Địa Đàng ngày xưa ấy…!
… Rồi một hôm
Người đàn bà buông tấm khăn choàng
hừng hực cháy
vô nghĩa!
Để lịm dần trong một nụ hôn dài
và hóa thành chiếc-xương-sườn-Adam…
Đường
đời
mênh
mang…

(“Người đàn bà và tấm khăn choàng”, Thơ Thảo Phương, 1990)

Thảo Phương dám động cập đến đề tài tế nhị nhất, dễ đổ vỡ và nguy hiểm nhất của đức tin tôn giáo trong thế giới hiện đại: tấm khăn choàng của người nữ Hồi giáo. Khăn trùm đầu mà không ít người nữ tôn giáo này cho rằng không có nó thì không khác gì để mình trần đi ngoài phố (Orhan Pamuk, Tên tôi là đỏ). Người đàn bà của Thảo Phương “buông tấm khăn choàng/ hừng hực cháy… / Để lịm dần trong một nụ hôn dài”. Một đòi hỏi giải phóng tình yêu [cạnh đó là, tình dục] vượt ra khỏi vòng cương tỏa chẳng những khuôn định ở định kiến Việt Nam, mà – thế giới. Chẳng những giải thoát cho riêng ta, mà mang khả tính giải phóng cho muôn người khác. Một suy tưởng như thế đòi hỏi thơ phải khác. Cái khác không thuần mang tính hình thức, mà bắt nguồn từ xung động ở thẳm sâu tâm thức. Nó đầy lo âu và nhất là, mở về hướng tự do.

3. Trong khi đó, ở bên kia đại dương, “Ngọn cỏ” của Nguyễn Thị Hoàng Bắc xuất hiện ở tạp chí Hợp lưu năm 1997, đã gây sốc lớn cho độc giả.

NGỌN CỎ

tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa

Sốc, bởi nó khác hẳn những gì vừa xảy ra trong nước.
Thế giới hôm nay cung cấp cho người nữ bao nhiêu là tấm gương chói lòa, với đủ đầy phương tiện hiện đại [“bồn cầu” là một trong những]. Người nữ ý thức sâu thẳm và mãnh liệt rằng mình là một nửa nhân loại. Chính họ đã và đang góp phần tạo nên lịch sử thế giới, chứ không bị đẩy ra bên mép rìa xã hội hay đứng ngoài lề văn học như đã từng nữa. Tại sao họ lại từ bỏ cơ hội ngon ăn kia chứ?
Khởi đầu, hơi thơ “Ngọn cỏ” đi mạnh mẽ và trang trọng như bao bài thơ hiện đại khác. Người đọc ngỡ sẽ bắt gặp nỗi gồng mình [phê phán hay tuyên bố gì đó đại loại] ở câu tiếp theo, như đã từng thấy ở thơ nữ trẻ mấy năm qua. Nhưng không, bài thơ đột ngột chuyển hướng qua giọng phớt đời, khinh bạc rồi bất ngờ bẻ ngoặt sang đùa cợt đầy khiếm nhã! Chẳng có gì nghiêm trọng cả! Nếu không có “ngọn cỏ gió đùa” đường đột kia, bài thơ chỉ dừng lại ở ngưỡng nữ quyền hiện đại: nghiêm trọng và không kém quyết liệt. Nhưng chỉ cần một giễu nhại, tất cả đã lột xác: bài thơ làm cú nhảy ngoạn mục sang bờ bên kia của mĩ học hậu hiện đại.
Tính chất nghiêm cẩn của giọng thơ đã được tháo gỡ. “Ngọn cỏ gió đùa” thời Hồ Biểu Chánh đã lui vào hậu trường lịch sử. Nó được Nguyễn Thị Hoàng Bắc giải phóng. Hãy để cho ngọn cỏ tự do đùa với gió mà không buộc nó phải chịu phận so đo trong tinh thần phân biệt đối xử với sự đái. Cả sự đái của đàn bà cũng được cởi trói, qua đó thân phận tòng thuộc của chị em được giải phóng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *