[Về bộ ba: Dương Tường – Lê Anh Hoài – Vi Thùy Linh]
1. Trong Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu năm 2007, Dương Tường đã có cuộc trình diễn thơ khá thú vị. Sau khi cho quấn giấy vệ sinh khắp người, nhà thơ đứng thẳng trên sân khấu trình diễn, để thi sĩ Dạ Thảo Phương cởi từng vòng giấy cho lộ nguyên hình hài con người anh: một “nhà thơ như thực”, không trang trí, không mặt nạ.
Quá ư là lãng mạn. Hay! Nhưng đó là cái hay hiện đại(1).
2. Nghệ sĩ hậu hiện đại Lê Anh Hoài qua tác phẩm “Cắt” (1-6-2011) đã rất khác(2). Khác biệt ở bốn điểm chính.
Thứ nhất, “Cắt” không diễn ra trên sân khấu xin-cho phép mà tại không gian phá cách của nhóm Khoan cắt Bê tông ở quận Thủ Đức, TPHCM.
Thứ hai, tác phẩm được gợi hứng từ hiện thực cụ thể ngay sau sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam. Cũng bằng những cuộn giấy các loại [có cả giấy vệ sinh], thân mình nghệ sĩ bị khống chế, bị trói buộc, bị vây bọc nằm quằn quại đau đớn, để những người tham dự bắt đầu “cắt” cho đến khi anh hoàn toàn trần [truồng] (bởi còn mảnh xì-líp), cho lộ ra bản đồ Việt Nam với lấm chấm đảo Hoàng Sa và Trường Sa đầy máu me loang lổ.
Qua đó, thứ ba, nghệ sĩ trình diễn Cắt không làm “nghệ thuật thuần túy” mà động đến hiện thực chính trị xã hội đương thời – một hiện thực nhạy cảm nhất, chắc chắn thế.
Cuối cùng, tác phẩm “diễn ra” chỉ trong nửa tiếng đồng hồ rồi tự hủy. Nó độc lập và tự do. Không hao tốn đồng xu tiền thuế của dân, không họp hành, không lên kế hoạch, không kiểm điểm…
Cùng với “Tôi là cột điện”, “Cắt” là tuyệt phẩm của nghệ thuật Việt Nam đương đại, một đóng góp lớn của trào lưu hậu hiện đại cho nền văn học nghệ thuật đất nước.
Ai còn dám kêu văn nghệ sĩ hôm nay xa rời hiện thực không?
3. Tưởng Thơ trình diễn Việt – qua tài năng của Lê Anh Hoài, có cơ hội cất cánh, thì đùng cái đúng một năm rưỡi sau, tối 1-12-2012, tại Nhà Hát Lớn – Hà Nội, trong đêm nghệ thuật Bay cùng ViLi với sự góp mặt của không ít tên tuổi văn nghệ cộm cán, sự hiện diện của người thưởng ngoạn thủ đô sành điệu, và cả của những vị khách lắm tiền tò mò… Vi Thùy Linh đã kéo nó rơi tõm xuống cõi sến đến vô phương cứu vãn. Tại đó, thi sĩ ý đồ làm cuộc hôn phối vài loại hình nghệ thuật, với mục đích “tôn vinh văn chương Việt Nam”, mà theo một tờ báo, “đây là một đêm diễn đặc biệt… chưa từng có một tác giả văn học nào làm”(3).
Đúng! Nhưng để làm gì, cái đêm [trình diễn] ấy? Và đã được gì, ngoài vuốt ve danh hão của người làm thơ trốn chạy trước hiện thực ngồn ngộn ngoài kia, một hiện thực nóng bỏng không thể chịu đựng báo hiệu một bùng nổ khôn lường? Bay cùng ViLi là sự kiện đặc biệt, không sai! Bởi đó là cái đặc biệt cực kì phù phiếm – thứ phù phiếm trả giá bằng bao tốn kém với cả khối tòng thuộc, thì còn gì là… tự do, nói chi đến chuyện đại cồ to “muốn được làm sứ mệnh của các nhà thơ, không chỉ nói lên những vấn đề to lớn của đất nước hay thời đại”, Linh hử?(4).
___________
(1) Phạm Xuân Nguyên, “Ba ông tám mươi hơn mười ông trẻ”, 29-1-2011
http://phamxuannguyen.vnweblogs.com/print/1958/277580
(2) Soi, “Đi xem Lê Anh Hoài diễn Cắt – Cut”
http://soi.com.vn/?p=35498
(3) “Vi Thùy Linh: Nàng đã tận hiến”, báo Văn hóa & Thể thao, 2-12-2012
(4) Về “tự do”, nhà thơ Vi Thùy Linh viết: “Tôi luôn sống và viết tự do, như mình muốn, dám nghĩ dám nói dám làm như chính mình ấp ủ và muốn được làm sứ mệnh của các nhà thơ, không chỉ nói lên những vấn đề to lớn của đất nước hay thời đại…” (Vi Thùy Linh, “Sức sống và tín hiệu Việt Nam trong thơ tôi”, do Phạm Xuân Nguyên dẫn lại trong bài “Phê bình văn học hiện nay: cái thiếu và cái yếu”, tham luận tại buổi toạ đàm ở Viện Văn Học: “Phê bình văn học – Bản chất và đối tượng”, Hà Nội, 27-5-2004).